“Ngồi khóc trên cây”
(GDTĐ) – Ngồi khóc trên cây là cuốn tiểu thuyết hấp dẫn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Thật lạ lùng làm sao, có cái làng Đo Đo trong kí ức tuổi thơ mà tác giả này viết miệt mài không hết… Những ngày hè vừa qua, mình đã mải mê đọc cuốn truyện này và rưng rưng về những xúc cảm tinh khôi rồi tự hỏi, có lẽ mình đã lớn…
1. Đó là câu chuyện về cô bé Rùa sống ở một ngôi làng thơ mộng. Phía sau cuộc sống của bé Rùa là cả một câu chuyện kỳ bí về cha cô, về những người thợ săn, về những con thú hoang trong khu rừng ở cạnh làng cô… Rồi một ngày, sự trong sáng, hồn nhiên của cô bé đã thu hút chàng sinh viên, vốn ở quê chuyển ra thành phố, về làng chơi vào dịp hè. Trong khoảng thời gian này, chàng sinh viên như sống lại ký ức tuổi thơ cùng với những đứa trẻ nơi ngôi làng cũ với những trò chơi tuổi thơ… Và mối tình đầu hồn nhiên đong đầy những cảm xúc nhớ thương, đợi chờ khắc khoải cùng những lời hứa tưởng như rất dễ dàng và tuyệt đẹp nhưng không ai biết được điều gì đang chờ đợi ở phía trước, với những uẩn khúc khó lường… lời hứa ba tháng quay lại trở thành ba năm. Ba năm đằng đẵng bao thổn thức, nhớ thương, và cô gái đã kịp lớn thành một thiếu nữ xinh đẹp. Vì rất nhiều lý do, chàng trai phải kìm nén tất cả tình yêu tinh khôi ấy… Nhưng cách dẫn dắt vẫn đưa người đọc hướng tới sự trong trẻo, những vẻ đẹp tinh khôi và cả những hy vọng…
2. Mình sinh ra và lớn lên ở Thành phố, nơi không có những ngôi làng, những rừng cây như những lâu đài cổ tích. Đọc “Ngồi khóc trên cây”, mình mới hiểu hơn những suy tư, trăn trở nội tâm của tuổi mới lớn trên một nền điệu gợi về tuổi thơ sống chan hòa giữa thiên nhiên rừng núi, phảng phất phong vị miền quê và tình làng xóm. Hình ảnh cô bé Rùa trong truyện đã thu hút mình lúc nào không hay. Sự ngây thơ, hồn nhiên và nhân hậu của Rùa đã khiến mình thấy yêu thương nhân vật này. Rùa thương yêu sâu sắc những con thú nhỏ trong rừng và có thể kết bạn với chúng; cô liên tục phá hỏng các bẫy thú bất chấp sự dọa nạt của những người thợ săn, chính vì vậy mà Rùa bị họ thù ghét và bịa tạc ra những lời đồn không hay. Tìm một vùng đất bí mật đằng sau thác nước, Rùa giấu những con thú khỏi hoạt động săn bắt, trong đó có một chú nai con rất đẹp mà cô bé thường xuyên đến thăm và kể chuyện cho nó nghe. Câu chuyện đẹp như mơ với những hình ảnh hòa quyện giữa con người và thiên nhiên… Đọc truyện, mình lại bay bổng với những mơ mộng về chàng hoàng tử trong Cánh buồm đỏ thắm, những câu chuyện của Anđecxen, về những điều tuyệt đẹp ở phía trước…
3. Suy nghĩ, việc làm của tuổi mới lớn cứ trong veo như hồ nước mùa thu. Nội tâm của mỗi nhân vật trong truyện thật phong phú. Phải yêu lắm trẻ em, yêu lắm lứa tuổi mới lớn, tuổi học trò của chúng mình thì nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mới có tác phẩm “đắt giá” đến vậy. Thế giới tuổi thơ của những đứa trẻ thành thị chúng mình đôi khi cũng bị xoáy vào guồng quay của việc học hành, của thời gian biểu cho buổi sáng, buổi chiều, buổi tối… Đọc truyện của Nguyễn Nhật Ánh khiến chúng mình được sống với thế giới tuổi thơ phong phú, tràn ngập màu sắc và tình yêu thương. Và “Ngồi khóc trên cây” đã để lại trong lòng mình nhiều thứ đáng để suy ngẫm. Về thiên nhiên và muông thú cần được chung tay bảo vệ. Về cách nhìn nhận và đánh giá người khác bằng trái tim thay vì đôi mắt. Và trên tất cả, dù cho cuộc sống này có đối xử tệ với bạn đến đâu, bạn vẫn phải sống mạnh mẽ và lạc quan cho chính những người bạn yêu thương nhất. Giống như giọt nước mắt tong tong trong veo của Rùa thổn thức trên cây trong đêm đen tĩnh mịch ở một ngôi làng xa xôi, rơi trúng đầu chàng trai của cô sau ba năm gặp lại, làm mình nhớ vô cùng Cánh buồm đỏ thắm đã xa, rất xa…
Ngân Vũ – (Nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 79, tháng 8/2016)