Nhạc sỹ Trần Tiến và những chuyến du ca đầy ngẫu hứng
(GDTĐ) – Tôi quen biết nhạc sĩ, ca sĩ Trần Tiến khi ông đang là “cây” đơn ca của Đoàn Ca múa Hà Nội (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long). Máu ” du ca” của Trần Tiến có từ lúc còn trai trẻ. Ông sẵn sàng đến hát phục vụ các đám cưới theo lời mời của bạn bè và yêu cầu của người nghe mà không lấy một xu tiền thù lao. Sau này, khi trở thành một nhạc sĩ lớn, ông trả lời báo giới “Ca khúc của tôi không có “mùi” tiền bạc, chỉ có “mùi” của tôi”. Đó là lời nói thật, không phải nói để đánh bóng tên tuổi mình. Trần Tiến, chàng trai Hà Nội hào hoa vốn rất khái tính.
Nhạc sĩ Trần Tiến, tên đầy đủ là Trần Việt Tiến, sinh ngày 16/5/1947 trên miền đồi núi bên dòng sông Đáy, Sơn Tây, Hà Tây (nay là Hà Nội) khi cả gia đình ông chạy cuộc vây càn của giặc Pháp tản cư về đây. Ông sinh trưởng trong một gia đình khá giả, gốc Hà Nội, có nhiều người thành danh trong nghề ca hát. Trần Tiến có anh trai là NSND Trần Hiếu. Cháu ruột ông, ca sĩ Trần Thu Hà (con gái NSND Trần Hiếu), một trong bốn diva nhạc nhẹ nổi tiếng Việt Nam. Thu Hà cũng là ca sĩ thể hiện thành công nhất những bài hát do chú mình sáng tác. Tuy nhiên con đường đến với âm nhạc của Trần Tiến không phải “thuận buồm xuôi gió”.
Ngay từ đầu, lúc còn là học sinh trường cấp 3 Trưng Vương, Hà Nội, ông học giỏi Văn và Toán, từng đoạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi Toán toàn miền Bắc năm 1964. Ông ham thích lang lang trong những “Ngõ nhỏ, phố nhỏ” của Hà Nội 36 phố phường. Ông bảo, nếu đến với nghệ thuật thì ông sẽ viết văn là cùng chứ không theo âm nhạc. Nhưng Trần Tiến đến với âm nhạc như một sứ mệnh và con đường lập nghiệp của ông cũng rất “dị”. 16 tuổi xin vào Đoàn Ca múa Hà Nội phụ trách… hậu đài để có dịp tiếp cận “học lỏm” các nghệ sĩ đàn anh như Trần Khánh, Trần Thụ, Thanh Hiếu… Bằng phương pháp học “trực giác” như vậy, Trần Tiến trở thành ca sĩ hát “sô lô” lúc nào ông cũng không hay. Ông cùng đoàn đi biểu diễn khắp nơi, đặc biệt có dịp vào tận tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh phục vụ bộ đội, thanh niên xung phong, bà con bờ Bắc sông Bến Hải. Trong những ngày cùng bà con sống ở “túi bom” “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, Trần Tiến sáng tác được hai ca khúc “Thanh niên xung phong ra tiền tuyến”, “Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp” dự cuộc thi “Tiếng hát át tiếng bom” do Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức và “ẵm” luôn giải A. Bị những trận sốt rét rừng ác tính hành hạ, sức khỏe sa sút, Trần Tiến được tổ chức điều về hậu phương theo học khoa Thanh nhạc và Sáng tác của Nhạc viện Hà Nội để tiếp cận có bài bản, hệ thống, khoa học tri thức âm nhạc của nhân loại làm “vốn” tạo điều kiện thuận lợi “chắp cánh” cho năng khiếu âm nhạc bẩm sinh của ông bay cao, bay xa.
Trần Tiến là người ưa “xê dịch”. Nhà văn Nguyễn Quang Lập có hẳn một bài báo dài viết về ông với tựa đề “Trần Tiến- kiếp du ca”. Năm 1987, nhạc sỹ Trần Tiến thành lập ban nhạc rock Đen- Trắng lưu diễn dọc theo chiều dài đất nước, sang cả nước Nga chiếm lĩnh sân khấu ca nhạc. Nhắc đến Trần Tiến là nhắc đến hình ảnh một người du ca với vẻ ngoài bụi bặm, xù xì, ôm cây đàn ghi ta hát lang thang. Và “cái gã du ca” Trần Tiến, sau 15 năm đi tìm lối rẽ, ông đã tìm được cho mình một hạnh phúc trọn vẹn trong ” cõi riêng” của mình ở Vũng Tàu, nơi ông “chết mê, chết mệt” vì vẻ đẹp thanh bình của thành phố biển. Hằng ngày ông bơi thuyền thúng đi câu cá, ngồi trên một phiến đá nhẵn bóng của riêng ông để sáng tác, cảm nhận sự bình yên của thiên nhiên trời biển bao la. Ông nhận ra, mình quá nhỏ bé so với biển âm nhạc mênh mông của thế giới, ông bắt tay vào học nghiêm túc: Lái xe, vi tính, nhạc lý… Khi đã nạp cho mình đủ nội lực (kiến thức và sức khỏe…), Trần Tiến lại “du” ra Hà Nội, nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình để tổ chức Liveshow “Trần Tiến- Như chờ từng giấc mơ” vào dịp “Mùa thu cách mạng”. Chương trình này ông không hát. Ông chỉ ngồi xem như một khán giả để nghe cô cháu gái Trần Thu Hà, bay từ Mỹ về hát chính, tâm tình cho mọi người hiểu, biết, đồng cảm cuộc đời nhạc sĩ “du ca” bằng âm nhạc. Ông giải thích “Trần Tiến in the Spotlight- Như chờ từng giấc mơ là một bức tranh khắc họa những giấc mơ của cuộc đời người nhạc sĩ. Có những giấc mơ về tuổi thơ, với những ký ức trong sáng, tươi đẹp, về dòng sông quê hương, về những con đò, cánh diều của những mùa màng rơm rạ đầy kỷ niệm. Có những giấc mơ về một thời chiến tranh khốc liệt nhưng bi tráng với những mất mát, hy sinh của đồng đội. Có những giấc mơ về cuộc đời, về nhân tình thế thái, về sự sống và cái chết, về những trải nghiệm như ảo ảnh, như thật như mơ…”.
Năm 2007, nhạc sỹ Trần Tiến được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn hóa nghệ thuật cho các tác phẩm nổi tiếng của ông: Bài ca TNXP ra tiền tuyến, Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp, Giai điệu Tổ quốc, Chiếc vòng cầu hôn, Tùy hứng ngựa ô và Chị tôi. Đó là sự ghi nhận công lao đóng góp của Trần Tiến vào sự phát triển của nền âm nhạc đương đại nước nhà.
Lê Sỹ Tứ – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 113+114, tháng 5,6/2019