Tích hợp liên môn trong dạy học Sinh học 10
(GDTĐ) – Môn Sinh học ở THPT có mối liên quan đến các bộ môn khác nhau. Để nhận biết, giải quyết, thực hành các hiện tượng, kiến thức, kĩ năng trong môn Sinh học cần huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của nhiều môn, bài học khác nhau. Cô giáo Vũ Thị Sen – trường THPT Trần Nhân Tông đã xây dựng SKKN “Tích hợp liên môn trong dạy học Sinh học 10” để thể hiện rõ hơn điều này. Sáng kiến đã đạt giải C cấp Thành phố.
Dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn là gì?
Dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn là hình thức tìm tòi những nội dung, chủ đề giao thoa giữa các môn học với nhau, những khái niệm, tư tưởng chung giữa các môn học, tức là tích hợp những nội dung từ một số môn học có liên hệ với nhau làm cho nội dung học trong chủ đề có ý nghĩa hơn, thực tế hơn và học sinh có thể tự hoạt động nhiều hơn để tìm ra kiến thức và vận dụng vào thực tiễn. Dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn thuộc về nội dung dạy học chứ không phải là phương pháp dạy học. Giữa dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn với dạy học theo chủ đề đơn môn có những sự khác biệt. Chủ đề đơn môn đề cập đến kiến thức thuộc về một môn học nào đó còn chủ đề liên môn đề cập đến kiến thức liên quan đến hai hay nhiều môn học. Điều quan trọng là dạy học nhằm phát triển năng lực học sinh đòi hỏi phải tổ chức hoạt động học tích cực, tự lực và sáng tạo cho học sinh mà các hoạt động ấy phải được tổ chức ở trong lớp, ngoài lớp, trong trường, ngoài trường, ở nhà và cộng đồng, đặc biệt quan tâm đến hoạt động thực hành và ứng dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Xây dựng các chủ đề tích hợp liên môn trong dạy học Sinh học 10
Nguyên tắc xây dựng chủ đề tích hợp liên môn:
– Đảm bảo tính mục tiêu giáo dục phổ thông, mục tiêu giáo dục môn học, đặc biệt đảm bảo chuẩn kiến thức và kĩ năng cho từng môn học.
– Đảm bảo tính khoa học.
– Đảm bảo tính nội dung: không làm tăng nội dung chương trình, không tích hợp ngược. Nội dung trong chủ đề yêu cầu học sinh khai thác, vận dụng kiến thức của môn Sinh với các môn liên quan phải tương đồng để phát hiện và giải quyết vấn đề một cách chủ động, sáng tạo…
– Đảm bảo tính khả thi: chủ đề tích hợp liên môn phải gắn với thực tiễn, đem lại hứng thú học tập cho học sinh, phù hợp với năng lực của học sinh. Các chủ đề tích hợp liên môn đảm bảo để tổ chức cho học sinh học tập tích cực, giúp học sinh khai thác kiến thức môn, phát hiện một số kỹ năng, năng lực chung.
Các bước xây dựng chủ đề tích hợp liên môn:
Bước 1. Xác định chủ đề tích hợp.
Bước 2. Xác định mục đích tích hợp.
Bước 3. Tìm các nội dung tích hợp.
Bước 4. Xác định mức độ tích hợp.
Bước 5. Tổ chức dạy học theo nội dung tích hợp đã xác định.
Xây dựng một chủ đề tích hợp liên môn:
*Chủ đề III: Vi rut và bệnh truyền nhiễm
Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và nền kinh tế… thì tốc độ gia tăng các dịch bệnh do vi khuẩn và virus gây ra ngày càng nhiều. Chúng ta phải đương đầu với nhiều dịch bệnh như AIDS, Viêm gan B, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết do virut Ebola. Vậy virut Ebola và các virut khác có đặc điểm gì về cấu trúc và cơ chế gây bệnh? Tại sao chúng ta phải tìm hiểu về virus? Virus được con người ứng dụng trong những lĩnh vực gì? Tại sao bệnh do virut gây ra được gọi là bệnh truyền nhiễm? Cơ thể con người và các sinh vật khác có biện pháp nào để bảo vệ trước sự xâm nhập của virus?
Mục đích tích hợp:
Chủ đề xây dựng trên cơ sở tích hợp liên môn với môn Công nghệ, môn GDCD, môn Địa, môn Văn … nhằm giúp học sinh thông qua hoạt động chủ đề chủ động sử dụng các năng lực của mình để tìm hiểu về virus, miễn dịch của cơ thể, ứng dụng và tác hại do virus gây ra. Từ đó có ý thức bảo vệ bản thân, người thân; tuyên truyền và tham gia xây dựng môi trường sống lành mạnh, tránh những nguy cơ mắc phải những đại dịch do virus gây ra.
Các nội dung tích hợp:
Qua hoạt động chủ đề học sinh sẽ biết được:
– Cấu trúc các loại virus, sự nhân lên của virus trong tế bào vật chủ.
– Nêu được một số dạng virus kí sinh ở động vật, thực vật và vi sinh vật.
– Con người đã ứng dụng virus vào thực tiễn như thế nào?
– Đặc điểm bệnh truyền nhiễm và các phương thức lây truyền và phòng tránh.
– Khái niệm về miễn dịch, các loại miễn dịch.
– Tìm hiểu hội chứng AIDS, cúm gia cầm và sốt xuất huyết do Ebola.
– Ý thức bảo vệ bản thân, người thân và môi trường sống khỏi những nguy cơ mắc phải những đại dịch do virus và các vi sinh vật khác gây ra.
* Kế hoạch tổ chức dạy – học theo nội dung tích hợp:
Chủ đề được xây dựng 5 tiết theo đúng phân phối chương trình Sinh học 10 ban cơ bản.
Tiết 1: Cấu trúc các loại virus
Đảm bảo chuẩn kiến thức:
*Môn Sinh:
– Tìm hiểu đại cương về virus, tại sao virus chưa phải là một cơ thể sống?
– Nêu được đặc điểm hình thái và cấu tạo chung của virus.
– Nhận biết được các đặc điểm cơ bản của virus.
*Môn Công nghệ:
-Ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất phân bón vi sinh.
-Ứng dụng công nghệ vi sinh sản xuất chế phẩm bảo vệ thực vật.
*Môn Tin: Mô hình hóa và ứng dụng trong môn Tin (Mô hình hóa hình thái và cấu trúc của vi rus).
Tiết 2: Sự nhân lên của virus trong tế bào vật chủ
Đảm bảo chuẩn kiến thức:
*Môn Sinh:
– Nêu được quá trình xâm nhiễm và phát triển của virus trong tế bào vật chủ.
– Phân biệt được virus ôn hòa và virus độc.
*Môn Công nghệ:
– Giải thích cơ chế ứng dụng công nghệ vi sinh sản xuất chế phẩm bảo vệ thực vật và sản xuất thức ăn chăn nuôi.
*Môn Tin: Mô hình hóa và ứng dụng trong môn Tin (Mô hình hóa cơ chế xâm nhiễm và nhân lên của virus trong tế bào vật chủ).
*Môn Địa:
– Tìm hiểu về môi trường và sự phát triển bền vững.
– Tìm hiểu thêm các con đường lây lan của những đại dịch giữa những quốc gia trên thế giới.
Tiết 3: Khái niệm về bệnh truyền nhiễm và miễn dịch
Đảm bảo chuẩn kiến thức:
*Môn Sinh:
– Nêu được thế nào là bệnh truyền nhiễm, các phương thức lây truyền và phòng tránh.
– Nêu được khái niệm miễn dịch, các loại miễn dịch.
*Môn Công nghệ:
– Nêu được một số loại vắc xin và thuốc thường dùng để phòng và chữa bệnh cho vật nuôi.
– Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất vắc xin và thuốc kháng sinh.
*Môn GDCD:
– Học sinh có ý thức bảo vệ cơ thể trước những bệnh truyền nhiễm, ý thức tăng cường sức khỏe để nâng cao khả năng miễn dịch của bản thân. Đồng thời tuyên truyền về giáo dục sức khỏe, giáo dục ý thức công dân góp phần xây dựng cộng đồng lành mạnh.
Tiết 4: Virus gây bệnh, ứng dụng
Đảm bảo chuẩn kiến thức:
*Môn Sinh:
– Nêu đặc điểm đặc trưng của virus gây bệnh ở thực vật, vi sinh vật và động vật.
– Kể được một số ứng dụng của virus trong thực tiễn.
*Môn Sinh 8:
– Tìm hiểu các bệnh lây qua đường tình dục.
*Môn Công nghệ:
– Điều kiện phát sinh, phát triển của sâu bệnh hại cây trồng.
– Nhận biết một số loại sâu, bệnh hại lúa, cây trồng.
*Môn Địa:
– Tìm hiểu về môi trường và sự phát triển bền vững.
*Môn GDCD:
– Học sinh có ý thức bảo vệ cơ thể trước những bệnh truyền nhiễm, ý thức tăng cường sức khỏe để nâng cao khả năng miễn dịch của bản thân và tuyên truyền cho người thân, cộng đồng về những diễn biến, sự nguy hiểm của đại dịch và xây dựng ý thức phòng tránh.
Tiết 5: Thực hành: Tìm hiểu một số đại dịch trên thế giới và một số bệnh truyền nhiễm ở địa phương
Sau thời gian áp dụng phương pháp mới, đa số học sinh áp dụng được nhiều kĩ năng, nền tảng kiến thức tích hợp giúp việc tìm kiếm thông tin nhanh hơn, khuyến khích việc học sâu và rộng, thúc đẩy thái độ học tập tích cực đối với học sinh. Tích hợp mở rộng kiến thức trong bài học với các kiến thức bộ môn khác, các lĩnh vực trong đời sống qua đó làm giàu thêm vốn hiểu biết và phát triển nhân cách cho học sinh. Khi học các chủ đề tích hợp, học sinh được tăng cường vận dụng kiến thức tổng hợp vào giải quyết các tình huống thực tế, ít phải ghi nhớ kiến thức một cách máy móc.
Trên đây là một số nét chính của đề tài “Tích hợp liên môn trong dạy học Sinh học 10” của cô giáo Vũ Thị Sen – trường THPT Trần Nhân Tông. Mọi chi tiết xin truy cập vào website:http://khohoclieu.hanoiedu.vn.
nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 100, tháng 4/2017