Thiết kế bài giảng E-learning “Ghép đôi”

Thiết kế bài giảng E-learning “Ghép đôi”

(GDTĐ) – Tạp chí Giáo dục Thủ đô xin giới thiệu bài giảng E-learning “Ghép đôi” thuộc lĩnh vực phát triển nhận thức cấp học mầm non của cô giáo Đỗ Ngọc Anh – trường Mầm non số 5, quận Ba Đình, đạt giải Nhì trong Ngày hội Công nghệ thông tin lần thứ 4 năm 2018.

 

Mục đích – yêu cầu

Kiến thức: Giúp trẻ hiểu thế nào là ghép đôi: 2 đối tượng giống nhau và luôn đi cùng với nhau không thể tách rời. Trẻ biết một số bộ phận trên cơ thể và một số đồ dùng được gọi là đôi: Biết tên gọi, công dụng, cách sử dụng một số đồ dùng có đôi. Trẻ biết lựa chọn các đồ dùng được gọi là đôi và sử dụng một cách hợp lý.

Kĩ năng: Trẻ có kỹ năng quan sát và ghi nhớ những kiến thức giáo viên chia sẻ; có kĩ năng thực hành, sử dụng thành thạo các bài tập; có kĩ năng tương tác với máy tính. Thông qua bài học phát triển kỹ năng ghi nhớ, khả năng tư duy của trẻ.

Thái độ: Trẻ hứng thú với bài học thông qua hình ảnh cuốn hút, bắt mắt.

Tiến trình bài giảng (thông qua các slide)

Trang mở đầu giới thiệu những thông tin liên quan đến giáo viên và tên bài giảng “Ghép đôi”. Giáo viên sử dụng các hiệu ứng Power point kết hợp với nhạc nền giới thiệu bài giảng và các thông tin.

Giáo viên ghi hình nêu mục đích yêu cầu của bài học. Sau bài học trẻ sẽ nhận biết được:

– Một số bộ phận trên cơ thể được gọi là đôi.

– Một số đồ dùng cũng được gọi là đôi.

– Trẻ hiểu ghép đôi theo từng cặp giống nhau: Là ghép 2 đối tượng giống nhau, luôn đi cùng với nhau và chúng không thể tách rời nhau.

Mục đích yêu cầu bài học

Giáo viên chiếu clip bài hát “Đôi và một”, trẻ hát và vận động cùng các bạn trong clip. Giáo viên trò chuyện với học sinh về nội dung bài hát thông qua gói câu hỏi (Kèm theo audio hướng dẫn) với các dạng bài tập khác nhau.

*Sử dụng gói câu hỏi bài tập đúng sai:
– Các con vừa được nghe bài hát “Đôi và một là đúng hay sai?”.

Trẻ chọn đáp án theo hướng dẫn của cô:
+ Nếu đúng con hãy kích vào khuôn mặt cười.

+ Nếu sai con hãy kích vào khuôn mặt mếu.

+ Để biết được đáp án đúng hay sai con hãy kích vào ô có biểu tượng ngón tay chỉ.

+ Để quay lại trò chơi con hãy kích vào ô dưới mũi tên màu xanh.

*Câu hỏi 1:

Giáo viên đọc câu hỏi kèm theo hình ảnh minh họa.

Sử dụng gói câu hỏi multiple choice chọn đáp án.

Trẻ chọn đáp án theo hướng dẫn của cô.

-Trong bài hát “Đôi và một” có những bộ phận nào?

+Con hãy kích vào đáp án mà con cho là đúng.

+Để biết được đáp án đúng hay sai con hãy kích vào ô có biểu tượng ngón tay chỉ.

+Để quay lại trò chơi con hãy kích vào ô dưới mũi tên màu xanh.

 

*Câu hỏi 2:

Giáo viên thu âm tiếng, sử dụng các hiệu ứng Power point dạy trẻ các bộ phận trên cơ thể được gọi là đôi: Đôi mắt, đôi tai, đôi tay, đôi chân.

Giáo viên nói ý nghĩa của các bộ phận trên cơ thể được gọi là đôi. Giải thích cho trẻ hiểu nếu thiếu một trong những bộ phận trên cơ thể được gọi là đôi thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn (VD: 1 tay, 1 chân, 1 mắt……). Dạy trẻ ghép đôi các bộ phận trên cơ thể.

Giáo viên thu âm tiếng, sử dụng các hiệu ứng Power point dạy trẻ một số đồ dùng được gọi là đôi: Đôi đũa, đôi găng tay, đôi tất, đôi giày, đôi dép…

Giáo viên nói ý nghĩa của một số đồ dùng được gọi là đôi. Giải thích cho trẻ hiểu nếu thiếu một trong những đồ dùng được gọi là đôi (1 chiếc đũa, 1 chiếc dép, 1 chiếc tất…..) thì đồ dùng còn lại sẽ trở nên vô nghĩa.

Giáo viên thu âm tiếng hướng dẫn trẻ chơi trò chơi “Thử tài của bé”, hướng dẫn trẻ click chuột vào ô dưới các biểu tượng để tham gia trò chơi.

Giáo viên đọc câu hỏi kèm theo hình ảnh minh họa.

Sử dụng gói câu hỏi multiple Response chọn nhiều đáp án.

Trẻ chọn đáp án click chuột vào ô dưới các biểu tượng theo hướng dẫn của cô.

*Bài tập 1: Bé hãy chọn những găng tay được gọi là đôi?

Giáo viên đọc câu hỏi kèm theo hình ảnh minh họa.

Sử dụng gói câu hỏi bài tập Matching.

Trẻ nối đáp án click chuột vào ô dưới các biểu tượng theo hướng dẫn của cô.

*Bài tập 2: Bé hãy ghép 2 chiếc tất giống nhau để tạo thành đôi?

Giáo viên đọc câu hỏi kèm theo hình ảnh minh họa.

Sử dụng gói câu hỏi hotspot.

Trẻ click chuột chọn các đồ vật trong bức tranh và click vào ô dưới các biểu tượng theo hướng dẫn của cô.

*Bài tập 3: Bé hãy chọn những đồ dùng trong phòng được gọi là đôi?

Chiếu clip ghi hình giáo viên nêu ý nghĩa của việc ghép đôi và giáo dục trẻ biết chọn và sử dụng những đồ dùng được gọi là đôi một cách hợp lí.

Giáo viên thu âm, sử dụng các hiệu ứng của Power point giới thiệu một số đồ dùng được ghép thành cặp những đối tượng không giống nhau nhưng có mối liên quan với nhau. Nếu thiếu một trong những thứ đó chúng trở nên vô nghĩa.

Ví dụ: Bát – thìa, gọi là một đôi hay còn gọi là một cặp nếu có bát mà không có thìa thì sẽ không thể ăn được.

Bàn chải – kem đánh răng, hai đồ dùng không giống nhau nhưng cũng gọi là một cặp nếu có bàn chải mà không có kem đánh răng thì sẽ không thể đánh răng được và ngược lại….

Clip ghi hình giáo viên giới thiệu bài học lần sau: Dạy ghép thành cặp những đối tượng có mối liên quan có ý nghĩa.

Trong bài giảng E – learning, giáo viên đã khai thác các phương pháp dạy học như: quan sát, giảng giải, phân tích…  đồng thời thiết kế nhiều nội dung, câu hỏi tương tác phù hợp với lứa tuổi mẫu giáo nhỡ. Bài giảng khi đưa vào giảng dạy trên lớp trẻ rất hào hứng, tích cực tham gia vào bài học giúp giờ học đạt hiệu quả cao.

Trên đây là khái quát nội dung bài giảng E-learning “Ghép đôi” thuộc lĩnh vực phát triển nhận thức cấp học mầm non của cô giáo Đỗ Ngọc Anh – trường Mầm non số 5. Để biết thêm chi tiết bài giảng truy cập vào trang Http://e-learning.hanoiedu.vn hoặc liên hệ trực tiếp tác giả để trao đổi kinh nghiệm.

BBT – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 104, tháng 9/2018