Phạm Văn Đồng – nhà chính trị giáo dục ưu tú của đất nước
(GDTĐ) – Phạm Văn Đồng sinh năm 1906 mất năm 2000, quê ở Mộ Đức – Quảng Ngãi. Ông là người thụ hưởng sự dìu dắt trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là cộng sự đắc lực của Bác Hồ trong nhiều năm. Ông cũng là người suốt đời ham mê giáo dục, luôn trăn trở với công cuộc chấn hưng giáo dục và đổi mới phương pháp dạy học.
Phạm Văn Đồng hoạt động cách mạng từ trẻ. Năm 1926, ông gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, dự lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu do Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo. Cuối năm 1927, ông về Sài Gòn hoạt động. Tháng 3/1929 đi Hồng Kông dự đại hội của Việt Nam cách mạng thanh niên, về nước bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo (tháng 7/1929). Ra tù tháng 7/1936, ông về Hà Nội tiếp tục hoạt động. Tháng 5/1940 sang Côn Minh gặp Nguyễn Ái Quốc, được phân công về nước xây dựng căn cứ cách mạng ở Cao – Bắc – Lạng. Tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, là ủy viên Ủy ban dân tộc giải phóng, Bộ trưởng Tài chính của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945), là Trưởng phái đoàn Chính phủ tại Hội nghị Fontainebleau (5/1946), Trưởng phái đoàn Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Geneve tháng 5-7/1954.
Khi Hồ Chủ tịch kiêm cả nhiệm vụ Thủ tướng, ông là Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng (8/1949). Năm 1955, ông được Quốc hội cử làm Thủ tướng. Ông giữ cương vị này đến năm 1987, rồi được cử làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Bác Hồ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến lý tưởng, hành động của Phạm Văn Đồng và ông có tình yêu sâu sắc với Bác. Ông viết về Bác: “Đối với mỗi gia đình Việt Nam, Bác Hồ là một người trong gia đình thân thiết như cha với con. Đối với mỗi con người Việt Nam, Bác là lương tâm tuyệt vời trong sáng, luôn luôn thấu hiểu từ bên trong mọi ý nghĩa và nguyện vọng của mình” (Báo Nhân dân 19/3/1970).
Coi giáo dục là nhân tố có tầm quan trọng bậc nhất của phát triển
Khi ở cương vị Thủ tướng và lúc đất nước chuẩn bị triển khai cuộc cải cách giáo dục lần thứ 3 (những năm 70 của thế kỷ XX), Phạm Văn Đồng là Chủ tịch Ủy ban cải cách giáo dục Trung ương, trực tiếp chỉ đạo sự hoạt động của bốn ngành học: Bà mẹ &Trẻ em, Giáo dục phổ thông, Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp. Ông để lại hai tác phẩm về giáo dục mà nội dung còn giữ nguyên giá trị cho cuộc sống hôm nay:
– Mấy vấn đề về văn hóa giáo dục (NXB Sự thật H – 1980)
– Về vấn đề giáo dục đào tạo (NXB CTQG –H-1989)
Phạm Văn Đồng luôn coi trọng giáo dục, ham mê giáo dục, coi đó là nhân tố có tầm quan trọng bậc nhất góp phần không chỉ làm nên sự nghiệp của một con người mà còn là động lực làm nên lịch sử của dân tộc, của cả loài người” (Về vấn đề giáo dục đào tạo sđd tr6).
Nói chuyện tại Đại hội giáo dục phổ thông toàn miền Bắc ngày 24/3/1956, ông đề cập sự cao quý của nghề dạy học và trách nhiệm của người thầy: “Nghề của anh chị em gắn liền với cái cao quý nhất của Tổ quốc. Tất nhiên nghề nào cũng quý cả nhưng nghề của anh chị em là nghề đáng yêu nhất. Yêu nghề có thiết tha, liên tục mới quyết tâm vũ trang cho mình về kiến thức đạo đức để làm tròn nhiệm vụ đào tạo con người mới cho tổ quốc, cho chế độ” (Mấy vấn đề về văn hóa giáo dục – sđd tr14).
Ông tâm sự: “Riêng phần tôi, trước kia cũng đi dạy học, bây giờ cũng rất quyến luyến với nghề anh chị em đang làm. Cho nên anh chị em coi tôi như là một người trong hàng ngũ anh chị em thì tôi rất sung sướng và đó cũng là thêm một lẽ để có vấn đề gì trong phạm vi trách nhiệm của mình thì tôi tận tâm ủng hộ giúp đỡ anh chị em giải quyết nhằm góp phần vào công tác của anh chị em” (“Mấy vấn đề về văn hóa giáo dục” sđd tr 14/17/18).
Bước vào thời kỳ đổi mới, Phạm Văn Đồng luôn luôn suy tư về luận điểm “Giáo dục quốc sách hàng đầu, tương lai dân tộc”. Trong tác phẩm “Về vấn đề giáo dục đào tạo” (tr7-27), ông bàn luận sâu sắc chủ đề này qua việc nêu ra hai câu hỏi: “Quốc sách hàng đầu là gì? và vì sao nói giáo dục là quốc sách hàng đầu?” . Ông phân tích: “Nói giáo dục là quốc sách hàng đầu điều đó có nghĩa là sự nghiệp giáo dục và chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước có tầm quan trọng hàng đầu, các cơ quan có thẩm quyền và mọi người, mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước đều phải coi trọng như vậy và phải làm như vậy…
Tôi đặc biệt coi trọng chữ “Quốc”. Chữ “Quốc” dưới chế độ ta khác hẳn với chữ “Quốc” trong lịch sử nước ta trước đây cũng như lịch sử các nước khác trên thế giới. Bởi lẽ chữ Quốc trong bối cảnh trước đây chỉ có nghĩa là giai cấp thống trị. Trong lịch sử nước Pháp, vua Luis 14, thế kỷ XVII từng nói “Nhà nước là ta”. Như vậy là đủ rồi, không cần phải bình luận thêm gì nữa… Từ cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, chữ Quốc dần dần giàu thêm ý nghĩa đích thực của nó là nước, là dân… Ở đây phải thấy quốc sách hàng đầu trước hết là hưởng thụ và cống hiến mọi người được hưởng thụ và mọi người phải cống hiến!
Ông nhấn mạnh: “Trên đây nói về giáo dục là quốc sách, bây giờ nói thêm về hàng đầu, vậy hàng đầu là thế nào? Nói hàng đầu có nghĩa là hàng thứ nhất và còn có nghĩa là đi trước một bước. Hiện nay ở nước ta, nhân dân đòi hỏi một cách thiết tha, một cách khẩn trương, một cách thiết thực cả hai: giáo dục phải xếp ở hàng thứ nhất và đi trước một bước chứ nhất định không để nó ở hàng bét và lẹt đẹt theo sau.
Ông đặt ra câu hỏi: “Chúng ta hãy xem thử giáo dục ở nước ta đã đứng ở hàng đầu chưa?”. Và thẳng thắn nhận định: “Nó chưa phải là hàng thứ nhất và cũng chưa phải là đi trước một bước, trong khi người hưởng thụ thì đòi hỏi, còn người có quyền thì ít khi nhớ đến”.
Cảnh báo của Phạm Văn Đồng có từ năm 1999. Một đoạn thời gian hơn 16 năm đã trôi qua nhưng lời cảnh báo trên vẫn giữ nguyên sự thôi thúc cho động thái phát triển hôm nay khi nhiều cán bộ có trách nhiệm với đổi mới giáo dục chỉ “thuộc bài” qua lời nói mà thiếu sự tương xứng trong tư duy và hành động thực tiễn.
Luôn trăn trở với công cuộc chấn hưng giáo dục và đổi mới phương pháp
dạy học
Những năm cuối đời Phạm Văn Đồng luôn theo dõi diễn biến của phát triển giáo dục. Ông dành nhiều thời gian tiếp xúc với chuyên gia, cán bộ quản lý, giảng viên, ngành học tại một số nhà trường. Với những thông tin tốt ông rất vui. Sau khi biết một số thiếu sót hư hỏng, ông bày tỏ nỗi trăn trở: “Nhiều người thân quen của tôi suốt đời dạy học, có biết nhiều về giáo dục, đã nhiều lần than phiền với tôi về tình trạng thiếu sót hư hỏng, trong nền giáo dục nước ta.
Có người nói ai muốn làm gì thì làm, có khi rất trắng trợn… Như vậy thì làm sao thực hiện được hoài bão cao quý của Bác Hồ là “dạy tốt và học tốt” và như vậy thì làm sao thực hiện được điều tôi đã nói mà nhiều người biết là “trường ra trường, lớp ra lớp”, “thầy ra thầy, trò ra trò”, “dạy ra dạy, học ra học” (Về vấn đề giáo dục – đào tạo – sđd tr 85).
Yêu cầu tổ chức giáo dục cho ra giáo dục qua chỉ thị “Trường ra trường, lớp ra lớp”, “Thầy ra thầy, trò ra trò”, “Dạy ra dạy, học ra học” được Phạm Văn Đồng nói từ năm 1981 tại một Hội nghị giáo dục tại Hà Nội. Ông có lời kêu gọi: “Phải nhất trí và phải làm như vậy thì sự nghiệp giáo dục mới tốt, từ đó mới giảng dạy và học tập được tốt hơn để thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục” (Mấy vấn đề về văn hóa giáo dục tr 216/47).
Bước vào cuộc đổi mới chung, Phạm Văn Đồng đặc biệt chú ý sự cải tiến phương pháp dạy học giáo dục ở các nhà trường, ông chọn những trường có thuận lợi về sự “lan tỏa đổi mới” để cổ vũ cho những sáng kiến.
Tháng 9/1994, trong buổi gặp giảng viên, học viên trường Cán bộ quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện QLGD), Phạm Văn Đồng có lời căn dặn: “Trường lớp thì có nhiều, nhưng cái trung tâm, cái đối tượng thì chỉ có một. Chúng ta hãy nhớ tới một câu nói rất sâu sắc của Bác Hồ và cũng là ý tưởng của người xưa “Dĩ bất biến – ứng vạn biến” (lấy cái bất biến ứng với cái vạn biến). Vạn biến là thể hiện sự rất khác nhau của hoàn cảnh người học. Người dạy gặp những người học trình độ cao thấp khác nhau, yêu cầu nhiều ít khác nhau hoàn cảnh thuận lợi khó khăn khác nhau, lúc đó người dạy phải có phương pháp thích hợp (Sách Cẩm nang nâng cao năng lực và phẩm chất giáo viên – NXB lý luận chính trị – H 2007 – tr 44).
Sau này năm 1999, trong tác phẩm “Về vấn đề giáo dục đào tạo” trở lại ý tưởng trên, ông nhắn nhủ chung: “Biết đâu trong bộ óc đầy bí ẩn của HS nào đó có một nguồn tư duy về một lĩnh vực nào đấy mà trong cuộc sống bình thường ở gia đình, xã hội và nhà trường chưa có cơ hội khơi dậy, làm xuất hiện và nảy nở. Tôi kể một ví dụ: Ai cũng biết Beethoven là nhà sáng tác nhạc vĩ đại nhất của mọi thời đại cho đến nay, thế mà ông không biết làm toán nhân. Sau một đợt nhiều cuộc biểu diễn với số tiền thù lao giống nhau cho mỗi cuộc, ông cộng những số tiền giống nhau đó để có con số chung. Tôi kể câu chuyện khá lý thú (muốn nhấn mạnh) phép màu nhiệm nhất trong việc dạy là khơi dậy kho báu tư duy của mỗi người và ở đây là của mọi học sinh.
Ông cho rằng: “Để làm tốt việc này phải có môi trường tốt, môi trường vật chất là trường lớp với các phương tiện dạy học, song quan trọng hơn hết là người dạy tốt, có tâm huyết, có kiến thức và nhất là biết cách dạy” (Về vấn đề giáo dục đào tạo – sđd tr 48).
Di sản giáo dục của Phạm Văn Đồng góp phần làm phong phú cho “Tinh hoa giáo dục Việt” có mạch đi liên tục từ truyền thống đến hiện đại. Di sản này cần được quán triệt sâu sắc vào chủ thuyết phát triển chung đặc biệt vào đường lối, chính sách mà cuộc đổi mới đang vận hành lời dặn của ông: “Trường ra trường -lớp ra lớp; Thầy ra thầy-Trò ra trò; Dạy ra dạy – Học ra học” cần phải được thấm nhuần mạnh mẽ vào tư duy – hành động của mỗi người có trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục phát triển đất nước.
PGS.TS Đặng Quốc Bảo (Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 75, tháng 3/2016)