Xây dựng mô hình tư vấn tâm lý học đường: Cần sự quan tâm, đầu tư tương xứng
(GDTĐ) – Vài năm gần đây, mô hình tư vấn tâm lý học đường đã không còn quá xa lạ với giáo viên, HS tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên cả nước. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, hoạt động tư vấn tâm lý chưa được đầu tư đúng mức, nhiều nơi chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa, sự cần thiết của phòng tư vấn tâm lý đối với HS– lứa tuổi “ương ương, dở dở”, khiến cho mô hình này chưa phát huy được chức năng vốn có. Đó là điều khiến nhiều nhà quản lý giáo dục còn trăn trở…
Học sinh “khát” được chia sẻ
Nói về tầm quan trọng của công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường hiện nay, ông Nguyễn Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT cho rằng, đối với lứa tuổi học sinh phổ thông, khi mà nhân cách các em đang trong quá trình hình thành, phát triển, các em rất có thể phải đối mặt với nhiều thách thức không dễ vượt qua. Đó là những vướng mắc khá phổ biến như căng thẳng trong học tập, các xung đột trong mối quan hệ với thầy cô, gia đình, bạn bè; sự lúng túng trong định hướng nghề nghiệp; những vấn đề nảy sinh khi sử dụng internet… Nếu các em không được tư vấn, định hướng, giải tỏa kịp thời, sẽ rất dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, nếu nhẹ thì chán học, bỏ học; nặng thì trầm cảm, bạo lực học đường, tự tử…
Một khảo sát mới đây của Bộ GD&ĐT cho thấy có hơn 93% học sinh, sinh viên được hỏi gặp phải nhiều vướng mắc cần được chia sẻ trong học tập và đời sống hằng ngày. Có lẽ hiếm khi nào, vấn đề tư vấn tâm lý được Bộ GD&ĐT liên tiếp chọn làm chủ đề chính của hai cuộc hội thảo diễn ra từ đầu năm đến nay. Hầu hết ý kiến của các nhà quản lý, giáo viên tại hai cuộc hội thảo này đều thống nhất rằng: không thể làm ngơ, trì hoãn việc đưa vấn đề tư vấn tâm lý vào trường học hiện nay. Tư vấn tâm lý học đường một mặt có thể giúp các em xử lý các vấn đề nảy sinh, mặt khác quan trọng hơn là thông qua hoạt động tư vấn tâm lý, có thể tổ chức ngăn ngừa bằng cách tăng cường khả năng thích ứng của HS trước các biến đổi của xã hội, tạo ra “khả năng miễn dịch” hay khả năng giải quyết tình huống phù hợp.
Vấn đề là cần phải triển khai hoạt động tư vấn tâm lý ra sao để đáp ứng với mục tiêu trên, bởi đây là mô hình chưa phổ biến ở các trường học tại Việt Nam. Vài năm gần đây, nhận thấy ý nghĩa và tác dụng của công tác tư vấn tâm lý đối với học sinh, một số địa phương đã chủ động xây dựng phòng tư vấn tâm lý trong trường học, song mới chỉ dừng ở hình thức tự phát, chưa có kế hoạch, lộ trình và các điều kiện bảo đảm chất lượng tốt nhất để triển khai. Hà Nội là một trong số ít các địa phương đã xây dựng phòng tư vấn tâm lý ở một số trường học. Mô hình này được mở rộng hơn từ năm học 2014-2015 khi Hà Nội phối hợp với Tổ chức Plan quốc tế triển khai dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” tại 20 trường THCS và THPT trên địa bàn thành phố. Trong hơn một năm qua, hoạt động tư vấn tâm lý là một trong những hoạt động cơ bản, xuyên suốt trong quá trình thực hiện dự án tại các nhà trường.
Phải thay đổi từ nhận thức
Tư vấn tâm lý có vai trò quan trọng như vậy đối với học sinh, thế nhưng nhìn vào thực tế, hầu hết các phòng tư vấn tâm lý ở các nhà trường hiện nay còn thiếu thốn nhiều: phòng ốc, tài liệu không có; kinh phí tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý cho HS cũng không; nhân lực đảm nhận công việc này chủ yếu cũng chỉ là kiêm nhiệm, rất hiếm nơi phân công cán bộ chuyên trách làm tư vấn tâm lý. Bộ GD&ĐT cũng đã xác nhận, công tác tư vấn tâm lý học đường chưa được chú trọng đúng mức. Hiện tại chưa có biên chế cho cán bộ chuyên trách công tác tư vấn tâm lý ở nhà trường, chưa có kinh phí hỗ trợ, chế độ đãi ngộ cho cán bộ kiêm nhiệm làm công tác này. Theo kế hoạch, trong năm học 2015-2016, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu, xây dựng một số mô hình tư vấn tâm lý hiệu quả để các địa phương, nhà trường triển khai phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ giáo dục giai đoạn mới.
Trong khi chờ có một mô hình “chuẩn” về tư vấn tâm lý, thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện mô hình này. Cách đây 5 năm, trước một vài sự việc đau lòng của học sinh ở một số địa phương do áp lực tâm lý, trong đó có một học sinh của trường tự tử vì bị bố mắng, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã triển khai hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh. Việc tư vấn tâm lý được thực hiện qua hai hình thức, hoặc trực tiếp (cho học sinh đang gặp khó khăn), hoặc gián tiếp (đối với người gây khó khăn hoặc làm tổn thương học sinh). Lực lượng tham gia tư vấn chính là các thầy cô giáo trong ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm lớp. Việc tư vấn kịp thời đã ngăn chặn được nhiều biểu hiện tiêu cực của học sinh như muốn tự tử, chán học, thiếu ý chí quyết tâm… Điển hình là trường hợp có hai học sinh lấy trộm điện thoại và laptop của bạn, khi các em nhận ra hành vi sai trái đã rất hoang mang, sợ hãi và nhờ sự trợ giúp của cô giáo. Hơn 11h đêm. một trong hai em đã gọi điện cho cô giáo khóc với tâm trạng ân hận, xấu hổ và nói muốn tự tử. Bằng nhiều hình thức, cô giáo đã trấn an, giải tỏa tâm lý cho học sinh, khiến em bình tâm trở lại.
Trường THCS Ngô Sỹ Liên (quận Hoàn Kiếm) cũng là một trong số các trường tổ chức tư vấn tâm lý cho HS khá sớm thông qua việc hình thành Văn phòng tâm lý tuổi hồng. Khác với một số trường, cán bộ tư vấn của trường THCS Ngô Sỹ Liên không phải là thầy cô giáo của trường, mà là các chuyên gia tâm lý đến từ một số trường đại học. Theo ban giám hiệu nhà trường, cách thức này tạo cho học sinh cảm giác thoải mái, an toàn và được bảo mật hơn khi giãi bày, chia sẻ. Hoạt động tư vấn cũng khá đa dạng gồm: tư vấn tâm lý, trị liệu can thiệp, tập huấn kỹ năng sống và tư vấn phòng ngừa. Từ chỗ còn e dè, đến nay, sau 3 năm hoạt động, HS nhà trường đã mạnh dạn, chủ động tìm sự hỗ trợ của Văn phòng tâm lý tuổi hồng.
Thực tế nói trên cho thấy, việc bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực và căn cứ pháp lý để tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý trong nhà trường là cần thiết, song điều quan trọng để triển khai có hiệu quả mô hình này là sự thay đổi về nhận thức, bắt đầu từ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, cho đến giáo viên và cả phụ huynh HS về nhu cầu tư vấn tâm lý học sinh trong bối cảnh xã hội khá phức tạp hiện nay để có sự điều chỉnh trong quan tâm, đầu tư cho công tác này.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, trưởng khoa Tâm lý- Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Hoạt động tư vấn tâm lý học đường góp phần hình thành phẩm chất, năng lực học sinh theo Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Vai trò, tác dụng của hoạt động tư vấn tâm lý học đường là hướng tới ngăn chặn và phòng ngừa cho tất cả học sinh nhằm tạo ra “khả năng miễn dịch” trên diện rộng chứ không chỉ tập trung vào các học sinh có vấn đề cần hỗ trợ. Cụ thể, việc tư vấn tâm lý không chỉ là hỗ trợ, định hướng học sinh giải quyết những khó khăn, rắc rối trong học tập và các mối quan hệ thường ngày, mà thông qua lắng nghe, chia sẻ, các thầy cô giáo có phương án hỗ trợ và định ra kế hoạch kịp thời để ngăn chặn, không để sự việc diễn ra theo chiều hướng tiêu cực. Chính điều này góp phần tạo môi trường phát triển tâm lý lành mạnh cho mọi học sinh, tạo môi trường học đường an toàn, thân thiện. Với định hướng như vậy, hoạt động của phòng tư vấn tâm lý học đường có thể đóng góp trực tiếp cho công tác giáo dục, hình thành phẩm chất và năng lực học sinh theo Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
An An, Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 70+71, tháng 11/2015