TS.Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam: Giáo viên là nhân tố quan trọng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới
(GDTĐ) – Trao đổi với phóng viên Tạp chí Giáo dục Thủ đô xoay quanh vấn đề đổi mới giáo dục, TS.Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn đổi mới hiện nay, đặc biệt là khi chúng ta đang chuẩn bị triển khai chương trình và sách giáo khoa mới đòi hỏi các nhà giáo phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn trau dồi kiến thức, cập nhật công nghệ để đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Đồng thời với đó, việc xếp lương của giáo viên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp là tương xứng với công sức và vị thế của những người thầy.
Mỗi một ngày đến trường có một đổi mới trong công việc
*Để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từ năm học 2016-2017, Bộ GD&ĐT đã phát động trong toàn ngành nội dung thi đua với chủ đề “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Công đoàn GD Việt Nam đã cụ thể hóa nội dung này bằng những phong trào gì, thưa TS?
– Thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT, ngay từ tháng 9 năm 2016, CĐGD Việt Nam đã ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” trong toàn ngành. Tiêu đề xuyên suốt được CĐGD Việt Nam đưa ra là “Mỗi một ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”. Đổi mới ở đây được thể hiện ở 2 ý vừa là trong công tác quản lý của cán bộ vừa là trong việc nâng cao chất lượng dạy học của các nhà giáo. Khuyến khích các thầy cô giáo thành lập nhóm “Nhà giáo hỗ trợ nhau phát triển” trong các tổ, khoa chuyên môn, trong các nhà trường, các cụm trường. Từ đó, các nhóm cùng đoàn kết, hỗ trợ nhau trong công tác, đời sống, có những giải pháp phù hợp giúp đỡ nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hết học kỳ I năm học 2016-2017, CĐGD Việt Nam đã tổ chức 2 hội thảo, một tại Bà Rịa – Vũng Tàu, một tại Hà Nội với mục đích bước đầu tìm cách tháo gỡ những khó khăn trong khi thực hiện triển khai phong trào. Rất mừng là hầu hết các nhà trường đều không bị bỡ ngỡ vì họ thấy đây là một việc làm rất thiết thực. Và chỉ sau một học kỳ đã có hàng nghìn nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển. Kết thúc năm học, CĐGD Việt Nam có tiến hành sơ kết và thấy rằng phong trào đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Năm học 2017-2018 này, tiếp tục được Bộ GD&ĐT xác định là năm Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, nó phù hợp với chủ trương của Chính phủ về đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
* TS có thể nói rõ hơn về hiệu quả đạt được từ phong trào nói trên ở các cơ sở giáo dục?
-Qua 2 hội thảo và qua quá trình theo dõi các đơn vị, tôi thấy rằng, trước tiên phong trào đã giúp các thầy cô giáo có sự thay đổi về nhận thức. Các thầy cô ý thức được đổi mới là việc làm thường xuyên lâu dài, đặc biệt là khi chúng ta đang chuẩn bị triển khai chương trình, SGK mới. Thứ hai là các thầy cô giáo không còn tâm lý ngại khó, ngại khổ và đổi mới một cách thiết thực trong việc thực hiện các bài giảng. Có rất nhiều mô hình trước đây đã được thực hiện nhỏ lẻ ở một số đơn vị, nay có điều kiện để thực hiện ở phạm vi rộng hơn. Ví dụ, bài giảng kết hợp giữa lịch sử với lịch sử địa phương, giảng dạy các môn khoa học công nghệ với sản xuất phát triển kinh tế xã hội tại địa phương làm cho bài giảng sinh động hơn… Điểm được thứ 3 là các thầy cô trong nhóm “Nhà giáo hỗ trợ nhau phát triển” đã giúp nhau nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm. Và các địa phương thực hiện triển khai phong trào một cách rất sáng tạo, không bị dập khuôn, không nặng về báo cáo thành tích.
*Với Hà Nội, năm học vừa qua, ngành GD&ĐT đã phối hợp với Công đoàn ngành triển khai xét tặng giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”, TS đánh giá như thế nào về giải thưởng này?
-Phải khẳng định rằng xuất phát từ nhiều phong trào của Hà Nội mà CĐGD Việt Nam đã học tập và nhân rộng ra phạm vi toàn quốc. Năm học 2016-2017, lần đầu tiên CĐGD Hà Nội phối hợp với Sở GD&ĐT triển khai Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”. Có thể nói đây là một hình thức hoàn toàn mới, cũng có thể coi là một bước nâng cấp của cuộc thi GVDG cấp Thành phố vì tất cả báo cáo của giáo viên đều được hội đồng đánh giá, trước đó cũng đã được lấy ý kiến đánh giá của đồng nghiệp ở đơn vị, ở cụm, do đó hiệu quả, chất lượng của giải thưởng được nâng thêm một bước. Tôi thấy rằng Hà Nội cũng đã làm tốt công tác xã hội hóa trong việc huy động nguồn lực xã hội để có kinh phí trao thưởng cho các thầy cô giáo, đây là một cố gắng rất lớn của Hà Nội trong việc tranh thủ sự ủng hộ của xã hội và những thầy cô được tuyên dương đều là những người xứng đáng.
Lương giáo viên xếp cao nhất là tương xứng với công sức và cống hiến của nhà giáo
*Theo TS, để nâng cao trình độ, năng lực nghề nghiệp của nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới chúng ta cần phải có những giải pháp gì?
-Có thể nói, giáo viên là nhân tố quan trọng thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Đặc biệt là khi chúng ta đang chuẩn bị triển khai chương trình phổ thông mới, việc dạy tích hợp liên môn đang đặt ra cho các nhà giáo một thách thức rất lớn. Đầu tiên là sự thích ứng với mô hình đào tạo mới- một mô hình tiên tiến, chúng ta phải đối diện với thách thức đó. Đội ngũ nhà giáo của chúng ta trước đây được đào tạo chuyên sâu, chuyên môn, ví dụ giáo viên Văn chỉ được đào tạo để dạy Văn, giáo viên Sử chỉ đào tạo để dạy Sử nhưng bây giờ phải dạy tích hợp liên môn đòi hỏi phải có kiến thức chung vì vậy, các thầy cô giáo phải có ý thức về vấn đề này để tự mình học hỏi, bổ sung thêm kiến thức đáp ứng yêu cầu giảng dạy.
Ngoài ra, trong điều kiện thế giới phẳng, công nghệ thông tin phát triển như hiện nay mỗi một thầy cô giáo phải ứng dụng được công nghệ mới, bổ sung cho mình những kiến thức mới, cập nhật vào bài giảng chuyển tải đến học sinh, đồng thời phải truyền tâm huyết của mình vào bài giảng. Nếu các thầy cô chỉ quan niệm mỗi giờ lên lớp chỉ là hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy thì sẽ không tạo cho học sinh niềm đam mê. Người giáo viên lên lớp không chỉ là truyền thụ kiến thức mà điều quan trọng là phải truyền lửa cho học sinh, cuốn hút các em yêu thích môn học. Theo tôi, công đoàn phải vào cuộc tham gia để giúp các nhà giáo thực hiện tốt các yêu cầu trên. Điều đó được thể hiện trước tiên ở sự quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ cho các nhà giáo học tập nâng cao trình độ, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, công đoàn cần tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn để các thầy cô giáo có cơ hội trao đổi, nhân rộng kinh nghiệm, mỗi một lần trình bày như vậy các thầy cô giáo cũng sẽ trưởng thành hơn.
Hiện nay, chúng ta đang ban hành các quy định về chuẩn giáo viên, công đoàn phải giúp, thậm chí phải định hướng cho nhà giáo làm thế nào để không chỉ đạt chuẩn mà phải nâng chuẩn. Ngoài chuyên môn, công đoàn cũng phải xây dựng môi trường làm việc đoàn kết, sáng tạo, thân thiện trong đơn vị. Chúng ta đều biết trong các nhà trường có nhiều thế hệ giáo viên, nhiều lứa tuổi khác nhau, các thầy cô lứa tuổi trên 50 có nhiều kinh nghiệm nhưng việc cập nhật cái mới, ứng dụng công nghệ không bằng thế hệ trẻ, các thầy cô từ 35 đến 50 tuổi khao khát thể hiện mình nhưng đôi khi chưa có điều kiện, còn lứa tuổi thấp hơn thì có sức sáng tạo nhưng còn tự ti. Vì vậy công đoàn phải làm sao gắn kết, hài hòa được các thế hệ nhà giáo, tổ chức được các buổi trao đổi kinh nghiệm, tạo cơ hội cho các thầy cô giáo giúp nhau cùng phát triển.
*Bên cạnh nâng cao trình độ chuyên môn, việc nâng cao phẩm chất đạo đức của nhà giáo cũng là một vấn đề vô cùng quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay. TS nghĩ sao về điều này?
-Nghề giáo được coi là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý” do đó, ngoài chuyên môn, nghiệp vụ thì đạo đức và kỹ năng sư phạm là hai yếu tố rất quan trọng đối với các nhà giáo. Đạo đức nhà giáo làm cho các thầy cô gương mẫu mà trong giáo dục không có gì tốt bằng làm gương. Những năm qua, CĐGD vẫn tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Sản phẩm đào tạo của chúng ta là con người vì vậy đòi hỏi các nhà giáo phải là những tấm gương để học sinh noi theo. Không chỉ vậy, đạo đức nhà giáo còn được thể hiện ở sự tâm huyết, gắn bó với nghề. Mỗi một giờ dạy, các thầy cô phải thổi bùng lên ngọn lửa khát vọng cho học sinh. Đấy cũng chính là một phạm trù đạo đức. Do đó, tôi rất mong các thầy cô ý thức được điều này luôn luôn gương mẫu, luôn luôn tâm huyết với nghề để xã hội nhìn nhận. Tất nhiên, trong một thời điểm nào đó, có một vài thầy cô giáo có vấp váp, có sự cố về mặt ứng xử thì tập thể sư phạm nhà trường phải chung tay động viên các thầy cô vượt qua, đồng thời cũng phải rút ra bài học kinh nghiệm cho tập thể sư phạm để tránh không lặp lại. Ứng xử của nhà giáo, ứng xử của tập thể sư phạm là rất quan trọng. Cho dù thế nào đi chăng nữa cũng phải mô phạm. Vì vậy, các thầy cô phải luôn luôn trau dồi từ lời ăn tiếng nói, trang phục đến cách ứng xử…
*Mới đây, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành, theo đó điểm đáng chú ý nhất là mức lương giáo viên sẽ cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, điều này liệu có khả thi không thưa TS?
– Có thể nói thu nhập của các thầy cô giáo hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống. Có một số bộ phận các thầy cô giáo còn khó khăn, đặc biệt là các thầy cô giáo trẻ mới ra trường. Trong dự kiến của Bộ GD&ĐT trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục thì mức lương giáo viên sẽ được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, tôi cho rằng điều đó tương xứng với công sức, cống hiến của các nhà giáo trong sự phát triển của ngành giáo dục. Trước tiên là bởi nghề giáo có đặc thù là phải sáng tạo, phải đầu tư vì để có một giờ lên lớp các thầy cô giáo phải mất rất nhiều công sức để chuẩn bị. Thứ hai là việc chuyển đổi nghề nghiệp của các thầy cô khó khăn hơn các ngành khác bởi ngay từ đầu họ đã có thiên hướng làm thầy, bên cạnh đó vị thế của người thầy không cho phép họ làm một số công việc khác. Và theo tôi, việc xếp lương như vậy có thể khả thi với điều kiện Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm đến vấn đề này. Với xu thế phát triển kinh tế xã hội ổn định như hiện nay, cùng với việc chúng ta thực hiện Nghị quyết 6 khóa XII về tinh giản biên chế, sắp xếp đội ngũ nâng cao hiệu lực hiệu quả và việc tự chủ của các trường đại học … chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được.
Vấn đề đặt ra là, chúng ta cần phải thực hiện theo lộ trình, làm sao để các thầy cô giáo yên tâm công tác, cống hiến cho nghề. Tuy nhiên, bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn, tôi nghĩ rằng các thầy cô giáo cũng phải chuẩn bị cho mình tâm thế sẵn sàng đối mặt với việc phải chuyển đổi công việc bởi có thể trong một thời điểm nào đó nếu không còn đáp ứng với công việc thì chúng ta phải chuyển đổi việc làm. Công đoàn cũng phải giúp các thầy cô giáo chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đối diện với thực tiễn chứ không bị động. Trước đây chúng ta vẫn quan niệm công đoàn là người đại diện đòi hỏi quyền lợi cho người lao động nhưng bây giờ công đoàn phải giúp cho họ có việc làm ổn định, muốn vậy nhà trường phải phát triển, quy mô đào tạo phải tăng, đấy là trách nhiệm chung của tất cả mọi thành viên trong đơn vị. Ngay trong nhà trường, nhất là các trường đại học có thể tổ chức các hoạt động, tạo ra các việc làm mới cho các thầy cô giáo như là kinh tế trang trại rồi ứng dụng khoa học vào thực tiễn… vừa góp phần nâng cao trình độ, vừa tạo thêm thu nhập chính đáng cho các nhà giáo.
*Chế độ chính sách được quan tâm thỏa đáng sẽ tác động thế nào đến chất lượng giáo dục, đào tạo của người giáo viên cũng như mong muốn thu hút học sinh giỏi vào các trường sư phạm, thưa TS?
– Theo tôi, có hai yếu tố thu hút sinh viên vào các trường sư phạm. Đó là tiền lương và việc làm. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm để làm sao khi đào tạo xong, ra trường các em có việc làm. Bên cạnh đó thì sự nhìn nhận của xã hội đối với nghề giáo cũng là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến việc thu hút sinh viên vào học sư phạm. Nếu xã hội tôn vinh các thầy cô giáo thì có thể thu nhập chưa cao, nhiều người vẫn mong muốn được làm nghề. Và môi trường làm việc cũng là điều mà họ rất quan tâm. Cho đến bây giờ, nhà trường vẫn là nơi có môi trường làm việc rất tốt. Ở đó có sự trân trọng giữa con người với con người, có những ứng xử nhân văn. Tất nhiên, khi điều kiện khó khăn thì người ta sẽ quan tâm đến thu nhập. Nhưng đến một lúc nào đó khi thu nhập đã ổn định và khá hơn thì người ta sẽ quan tâm đến không khí và môi trường làm việc. Môi trường phải dân chủ, sáng tạo. Và chính công đoàn phải làm tốt quy chế dân chủ trong nhà trường, phải giám sát được việc thực hiện các chế độ, chính sách. Ngoài ra, công đoàn phải đánh giá được các chính sách đó đối với nhà giáo như thế nào để phản biện một cách khách quan với mục tiêu vì quyền lợi của người lao động. Dân chủ trong nhà trường rất quan trọng vì nó giúp tháo gỡ những vướng mắc từ cơ sở, từ đó không gây ra những điểm nóng. Chúng ta đôi khi có những điểm nóng là do xuất phát từ việc không thực hành dân chủ dẫn đến có các đơn thư.
Hiện nay đang có một khái niệm mới là quản trị nhà trường. Phải thay đổi tư duy về việc quản trị nhà trường, quản trị nhà trường có rất nhiều nội dung như quản trị nhân lực, quản trị tài chính… chứ không còn là quản lý đơn thuần. Trong quản trị phát huy vai trò của người đứng đầu nhưng cũng cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, nếu không sẽ dẫn đến lạm quyền mất dân chủ. Thực hành dân chủ trong nhà trường là phải để cho giáo viên được tham gia bàn bạc, quyết định đến các hoạt động của đơn vị, sau đó họ phải được giám sát đồng thời phải được tham gia quản lý tài chính, đánh giá cán bộ trong thi đua…
*Xin trân trọng cảm ơn TS!
Kiều Giang – Hồng Hà (Thực hiện) – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 99, tháng 3/2017