Nhân lên những “Tủ sách Bác Hồ”

Nhân lên những “Tủ sách Bác Hồ”

(GDTĐ) – Trong chặng đường hoạt động cách mạng của mình, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc từng có thời gian dạy học tại trường Dục Thanh. Cùng với việc dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ, thầy giáo Nguyễn Tất Thành luôn khích lệ, động viên học sinh biết say mê đọc sách. Ngay từ những năm 1910, 1911, Người đã góp tiền xây dựng và vận động học sinh góp sách thêm cho thư viện. Có thể nói, bản thân Bác Hồ là hiện thân sinh động và cảm động về việc đọc và tự học. Ngọn lửa đam mê đọc và học ấy của Bác luôn luôn truyền lại cho thế hệ sau, đặc biệt là các cháu thiếu nhi. Bởi vậy, Tủ sách Bác Hồ sẽ góp phần quan trọng vào việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách cho cán bộ, giáo viên và học sinh các nhà trường.

Bác Hồ luôn chăm lo cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ (ảnh tư liệu)

Người thầy giáo ươm mầm tri thức

Thấy được vai trò, tác dụng của thư viện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều việc làm và đóng góp cho sự nghiệp thư viện của nước nhà. Đặc biệt, sự quan tâm của Người đối với thư viện không chỉ dừng lại ở những ý kiến văn bản, chỉ thị mà còn có nhiều việc làm thiết thực, cụ thể để thể hiện sự quan tâm đó.

Theo “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử” tập 1 và đặc biệt là qua “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng, ngay từ khi còn trẻ tuổi, lúc làm thầy giáo ở trường Dục Thanh – Phan Thiết, thầy Nguyễn Tất Thành đã nung nấu suy nghĩ về việc lập ra một thư viện trong nhà trường để cho các học trò có nhiều sách để đọc. Không kịp thực hiện điều ấy, trước lúc đi xa, Người đã để lại một số tiền góp vào quỹ xây dựng thư viện của trường Dục Thanh. Để ghi nhớ việc làm đầy nghĩa cử đó, về sau này trong thập kỉ 70, Bộ Giáo dục đã phát động phong trào xây dựng “Tủ sách Nguyễn Tất Thành”. Phong trào này đã diễn ra sôi nổi khắp các trường học của miền Bắc một thời. Đó chính là cơ sở để hình thành một hệ thống thư viện nhà trường rộng khắp trên toàn quốc hiện nay.

Để tăng cường “hạt giống” cho phong trào cách mạng Việt Nam, Đảng và Hồ Chủ tịch đã tuyển chọn và gửi một số cán bộ đi học và đào tạo tại nước ngoài (trong đó có Đại học Phương Đông) nhưng số lượng cán bộ gửi ra nước ngoài có hạn và không thể đáp ứng được nhu cầu. Vì thế, việc đào tạo tại chỗ cần phải tiến hành. Muốn vậy phải có tài liệu sách vở. Thực tế lúc bấy giờ, Việt Nam rất thiếu những tài liệu cần thiết để tuyên truyền giác ngộ cách mạng và phổ biến lý luận cách mạng. Đứng trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngần ngại gửi nhiều bức thư khác nhau cho các tổ chức quốc tế và một số cá nhân để xin sự giúp đỡ về tài liệu.

Sau khi đã trở thành Chủ tịch nước, Bác Hồ cũng luôn quan tâm đến việc xây dựng tủ sách cho các em thiếu nhi. Bằng nhiều cách khác nhau, Người luôn cố gắng tạo mọi điều kiện để các em có sách đọc. Khi mọi người đề nghị Bác tổ chức sinh nhật, Người đã gạt đi vì theo Người đó là lãng phí không cần thiết khi mà trẻ em thiếu sách và nhiều nơi chưa có phòng đọc trong nhà trường. Ngày 23/3/1963, khi đọc báo Hà Nội mới, qua bài “Tủ sách nhỏ” Người được biết có ba em nhỏ đang góp tiền xây dựng “Tủ sách Kim Đồng”. Đọc xong, Người đã ghi ngay bên cạnh bài báo: “Đi xem. Về, Văn phòng có thể gửi cho một số sách mà các em chưa có”. Trong điều kiện kinh tế còn eo hẹp, không phải bất cứ ai cũng có tiền mua sách báo, Hồ Chủ tịch đã chỉ ra một biện pháp khắc phục rất dễ thực hiện – đọc tập thể.

Trong cuộc đời của mình, Hồ Chủ tịch đã được nhận và cũng đã trao tặng nhiều sách báo. Người cũng đã có công xây dựng nên phong trào đọc sách ở trong nhân dân và đặc biệt là trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Nhân dịp kỉ niệm lần thứ 70 ngày sinh của Bác, thanh thiếu niên xã Ngọc Thụy (Gia Lâm – Hà Nội) đã gửi lụa tặng Hồ Chủ tịch và Người đã đáp lại tấm lòng của lớp trẻ bằng một món quà đặc biệt. Cuốn “Bác Hồ với nông dân Hà Nội” đã ghi nhớ về món quà đó như sau: “Bác đã gửi tặng lại thanh niên xã Ngọc Thụy một tủ sách hơn 200 cuốn được mua bằng tiền nhuận bút viết báo của Người. Đấy là những cuốn sách hay, những chuyện về các người lãnh đạo giỏi, sách khoa học kỹ thuật nông nghiệp và cả những chuyện cổ tích nữa”.

Học sinh trường TH Giang Biên chăm chú đọc sách bên Tủ sách Bác Hồ

Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh từ những câu chuyện nhỏ về Bác Hồ

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh”. Bộ tài liệu đã được thẩm định để đưa vào sử dụng trong các nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt là một trong những tài liệu quan trọng trong “Tủ sách Bác Hồ” của các nhà trường.

Trong năm học 2017-2018, việc triển khai công tác giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục được các nhà trường đẩy mạnh, trở thành một hoạt động được duy trì thường xuyên, nền nếp, thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách cho học sinh. Để công tác này đạt hiệu quả cao, nhiều đơn vị trong ngành giáo dục đã có những bước đi sáng tạo, trong đó có việc triển khai bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 12 theo hình thức lồng ghép tích hợp ở một số môn học như: Đạo đức, Giáo dục công dân và một số môn có liên quan như Ngữ văn, Lịch sử và thực hiện trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động Đoàn, Đội…

TS. Hồ Văn Chiểu, nguyên Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng: Việc dạy những nội dung về tư tưởng, đạo đức, tác phong của Hồ Chí Minh phải phù hợp với điều kiện giáo dục hiện nay, là phải đào tạo những con người có tài, có đức và phải được chọn lọc theo những chủ đề hết sức chuẩn xác và cần thiết của xã hội.

TS Nguyễn Văn Tùng, chủ biên bộ sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh”, tập hợp được gần 100 câu chuyện về Bác Hồ vĩ đại, bộ sách dựa trên ý tưởng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua những câu chuyện đặc sắc từ cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điểm đặc sắc, độc đáo là bộ sách này hướng đến mục tiêu giáo dục đạo đức, lối sống, phát triển năng lực và phẩm chất học sinh thông qua việc tổ chức các hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm với các hình thức đa dạng, như thảo luận, trò chơi, vẽ tranh, diễn kịch… Không chỉ là những bài học về đạo đức, lối sống chung chung, bộ sách đã gắn những bài học với những câu chuyện sinh động về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, với cuộc sống, với công việc, sinh hoạt, vui chơi gần gũi, quen thuộc của mỗi học sinh ở trường, ở nhà hằng ngày. TS Nguyễn Văn Tùng cho biết: “Chúng tôi xác định mục tiêu là giáo dục đạo đức lối sống, tư tưởng Bác Hồ bằng cách đi vào lòng người, cảm hóa qua các câu chuyện có thật về Bác, tránh lối dạy giáo điều. Và một mục tiêu cần thiết là học sinh không chỉ nắm được vẻ đẹp trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, mà còn làm theo, vận dụng vào trong thực tiễn cuộc sống”.

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, ngay từ đầu năm học, ngành GD&ĐT quận Hoàn Kiếm đã phát động thư viện các nhà trường xây dựng Tủ sách Bác Hồ với nhiều đầu sách phong phú, đa dạng, đặc biệt là phục vụ thiết thực công tác chuyên môn của giáo viên và phù hợp với lứa tuổi của các em học sinh từng cấp học. Trong đó, có bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” .

Nằm trong chương trình xây dựng Tủ sách Bác Hồ, mới đây, ngành GD&ĐT quận đã tổ chức chuyên đề thư viện với chủ đề: Nâng cao chất lượng hoạt động thư viện, xây dựng Tủ sách Bác Hồ. Tại buổi chuyên đề, giáo viên trường TH Nguyễn Du và TH Trưng Vương đã giới thiệu cuốn sách Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục và bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh”. Theo cô giáo Nguyễn Thị Hoàn, giáo viên Tổng phụ trách trường TH Trưng Vương, giáo viên nhà trường chủ động, sáng tạo sử dụng tích hợp Bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” với bộ môn Đạo đức và Hoạt động ngoài giờ lên lớp… Với những câu chuyện nhỏ về Bác Hồ, học sinh tiếp nhận được những bài học về đạo đức, lối sống một cách dễ hiểu, dễ nhớ và có thể vận dụng vào thực tế cuộc sống.

Cô giáo Bạch Thị Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng trường TH Trần Quốc Toản nhận định: Bộ sách có giá trị giáo dục đạo đức, lối sống thiết thực và sâu sắc với không chỉ học sinh mà cả với giáo viên trong quá trình tìm kiếm thêm tư liệu và lồng ghép dạy cho học sinh. Tuy nhiên, nhà trường cũng phải linh hoạt vận dụng để đưa bộ tài liệu giảng dạy cho phù hợp với hoạt động dạy và học, khi mà hiện nay chương trình học của học sinh đã bố trí kín lịch.

Để thực sự đưa việc học tập và làm theo lời Bác triển khai sâu rộng trong các trường học, học sinh, ngành GD&ĐT quận Long Biên đã chỉ đạo 100% các nhà trường đầu tư xây dựng “Tủ sách Bác Hồ” tại các thư viện nhà trường, tổ chức thi cán bộ thư viện giỏi giới thiệu sách về Bác cho học sinh trong các thư viện trường học; 100% các lớp học đều treo ảnh Bác ở vị trí trang trọng…

Cô giáo Hứa Thu Huyền- Hiệu trưởng trường TH Giang Biên, quận Long Biên nhận định: Có rất nhiều nội dung giáo dục học sinh qua văn hóa đọc. Trong đó, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh qua chủ đề “Bác Hồ với nhiếu nhi” là hết sức quan trọng. Với những bài học quý giá về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh nhằm góp phần xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam giàu lòng yêu nước, có đạo đức trong sáng, ý thức tuân thủ pháp luật; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng lao động, trở thành những công dân tốt, tích cực tham gia vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để phát huy hiệu quả của hệ thống thư viện trường học, tích cực phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, BGH trường TH Giang Biên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng về tác dụng, vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách; chung tay xây dựng hệ thống thư viện thân thiện với các góc hoạt động hiệu quả, phục vụ GV và HS đọc tại chỗ và mượn về nhà; bố trí thời khóa biểu 01 tiết đọc sách thư viện/1 tuần; tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận dễ dàng với các nguồn tài liệu, sách báo có trong thư viện; sau mỗi chuyên đề đọc sách; học sinh làm bài thu hoạch dưới nhiều hình thức như: Viết, vẽ, kể chuyện… Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức trưng bày tủ sách Bác Hồ; kể chuyện Bác Hồ; thực hiện dạy bộ sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” đối với học sinh lớp 2,3,4,5… Từ những nhận thức về các giá trị đạo đức, các em có thể áp dụng, thực hành, tu dưỡng và rèn luyện hàng ngày; học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ kính yêu.

Hoàng Anh – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 97+98, tháng 1,2/2017