Phần mềm giám sát học sinh bằng công nghệ RFID

Phần mềm giám sát học sinh bằng công nghệ RFID

(GDTĐ) – Vừa qua, ngành GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức thành công Ngày hội công nghệ thông tin lần thứ IV năm 2018. Nhiều sản phẩm công nghệ thông tin sáng tạo của các thầy cô giáo đã được trình diễn tại Ngày hội. Trong số này, Tạp chí GDTĐ xin giới thiệu sản phẩm đạt giải Nhất lĩnh vực phần mềm của 2 cô giáo Nguyễn Thị Thoa và Nguyễn Thị Thúy Liên, trường Tiểu học Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân với phần mềm giám sát học sinh bằng công nghệ RFID.

Mô tả sản phẩm

Phạm vi ứng dụng và đối tượng sử dụng: Giáo dục, quản lý nhân sự. Ban giám hiệu các trường, giáo viên và phụ huynh học sinh.

 

Lý do chọn sản phẩm

Quản lý học sinh là một bài toán quen thuộc đối với mỗi giáo viên, là công việc của tập thể sư phạm nhà trường từ Ban giám hiệu đến các thầy cô giáo. Chính vì vậy việc quản lý học sinh bằng phần mềm được các nhà trường quan tâm và tiến hành xây dựng để có một hệ thống quản lý học sinh đầy đủ nhất, chính xác nhất, đáp ứng được mọi yêu cầu của thực tiễn. Quản lý điểm danh học sinh bằng hình thức truyền thống có một số nhược điểm:

– Việc quản lý thủ công tốn nhiều thời gian, nhân sự của nhà trường và giáo viên.

– Quản lý thủ công không thể giảm số lượng bỏ học và gian lận trong điểm danh.

– Thiếu sự giao tiếp, truyền thông trực tiếp giữa gia đình và nhà trường.

– Vấn đề bỏ học, trốn học, vắng mặt chỉ được xác định một khi nó đã xảy ra sau một thời gian dài …

Phần mềm giám sát học sinh bằng công nghệ RFID góp phần xây dựng một hệ thống quản lý điểm danh học sinh tối ưu nhất để có thể áp dụng rộng rãi trong công tác quản lý của các trường học nói chung và các trường tiểu học nói riêng. Phần mềm sẽ giúp các thầy cô giáo trong trường, các thầy cô giáo bộ môn có thể quản lý học sinh của mình trên máy tính một cách dễ dàng và chuyên nghiệp. Phần mềm cũng giúp giáo viên quản lý được danh sách học sinh trong lớp, tổng số học sinh trong lớp và quản lý điểm danh học sinh.

Ứng dụng của sản phẩm

Hiện nay có rất nhiều phương pháp để quản lý học sinh như: sử dụng bảng tính hay bảng chấm công, quản lý bằng vân tay, bằng thẻ… Tuy nhiên, việc quản lý học sinh bằng bảng chấm công còn mang tính truyền thống, còn quản lý điểm danh bằng vân tay hay quẹt thẻ mất khá nhiều thời gian, dễ gây ùn tắc giao thông giờ vào học và giờ tan ở nơi đặt hệ thống quét vân tay hay hệ thống quẹt thẻ.

 

Chính vì vậy nên lựa chọn phần mềm giám sát học sinh bằng công nghệ RFID với phần mềm được viết bằng ngôn ngữ lập trình PHP và MySQL. Công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) cho phép một thiết bị đọc thông tin chứa trong chip không tiếp xúc trực tiếp ở khoảng cách xa, không thực hiện bất kỳ giao tiếp vật lý nào hoặc giữa hai vật không nhìn thấy. Công nghệ này cho ta phương pháp truyền, nhận dữ liệu từ một điểm đến điểm khác. PHP là một ngôn ngữ lập trình dùng để xây dựng các ứng dụng Website, hay nói cách khác nó là ngôn ngữ chính dùng để lập trình phía Server nhằm xử lý các yêu cầu của client. Còn MySQL là một hệ quản trị cơ sở dữ liệu dùng để lưu trữ dữ liệu và nó thường được dùng kèm theo với PHP. Chương trình được chạy trên môi trường Web.

Phần mềm này giúp quản lý học sinh dễ dàng vì học sinh có thẻ chỉ cần đi qua cổng từ là có thể nhận diện và điểm danh ngay mà không mất thời gian và tránh ùn tắc. Đồng thời phần mềm giúp tự động hóa rất nhiều hoạt động trong môi trường học đường và đảm bảo an ninh tốt nhất cho học sinh. Một số ứng dụng của phần mềm trong việc quản lý học sinh:

-Điểm danh học sinh.

-Kiểm soát học sinh ra vào trường.

-Phần mềm giúp nhận diện, điểm danh khi học sinh mang thẻ đi qua cổng từ và báo về máy chủ, từ đó giáo viên có thể biết được học sinh của mình có mặt tại trường chưa, vào thời điểm nào?

Cách sử dụng đối với học sinh, PHHS

– Vào Trang chủ:

– Chọn lớp, chọn tên học sinh

– Xử lý thông tin về các khối, lớp, học sinh theo tùy chọn:

– Chức năng báo cáo

– Có thể xuất Excel để báo cáo hoặc lưu trữ

– Có chức năng xem thẻ và in thẻ cho người dùng (học sinh).

Kết quả và hướng phát triển của sản phẩm

Ứng dụng phần mềm mã nguồn mở và công nghệ lập trình Web để xây dựng phần mềm giám sát học sinh bằng công nghệ RFID nhằm giải quyết bài toán quản lý, theo dõi quá trình học tập, chuyên cần của học sinh trong nhà trường cùng các hoạt động khác có liên quan trong các trường học.

Với phần mềm này cho phép người dùng:

* Kiểm soát được hoạt động của học sinh khi đến trường.

* Lựa chọn và tra cứu thông tin học sinh một cách thuận tiện và nhanh chóng nhất.

* Có thể bổ sung hoặc thêm bớt học sinh trong trường một cách nhanh chóng.

Đã có những trường sử dụng hệ thống quản lý học sinh bằng máy quét vân tay hoặc thẻ từ. Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin nhiều em học sinh dễ dàng vượt qua các thiết bị này khiến cho cha mẹ và thầy cô lo lắng.

Đơn cử như việc quản lý học sinh bằng máy quét thẻ từ, học sinh sau khi quẹt thẻ để hệ thống báo đã có mặt tại trường rồi các em bỏ tiết ra khỏi trường đi chơi. Hay sử dụng máy quét vân tay (biện pháp sinh trắc học) tưởng an toàn và nhận diện tuyệt đối cũng không qua mặt được những hacker, kể cả những hacker còn ở độ tuổi học sinh. Bởi vì, hiện nay đã có rất nhiều tài liệu công khai trên mạng Internet hướng dẫn cách hack các máy chấm công bằng quét vân tay rất đơn giản chỉ bằng vỏ lon coca, miếng nilon với chiếc bật lửa.

Với những bất cập nêu trên, giải pháp phát triển phần mềm theo hướng quản lý học sinh một cách chặt chẽ nhất được giáo viên xây dựng theo định hướng sau:

– Gắn chip định vị vào thẻ của học sinh, kết nối tới điện thoại smartphone của cha mẹ học sinh để họ biết được vị trí của con em mình.

– Đồng thời nhà trường cũng sẽ lắp đặt hệ thống camera nhận diện khuôn mặt để tránh tình trạng sau khi vào trường học sinh lại trốn ra ngoài chơi nhưng vẫn để lại thẻ trong trường.

– Thêm một số chức năng mới như: xếp lớp, chuyển lớp…

– Thêm chức năng bảo mật.

Trên đây là khái quát về phần mềm giám sát học sinh bằng công nghệ RFID. Để biết thêm chi tiết truy cập vào trang Http://e-learning.hanoiedu.vn hoặc liên hệ trực tiếp tác giả để trao đổi kinh nghiệm.

BBT – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 101+102, tháng 5-6/2018