Hết mình vì công việc thiện nguyện
(GDTĐ) – Vừa qua, nhân kỉ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2018, tôi theo đoàn lãnh đạo quận và ngành Y tế Tây Hồ đến thăm và trao quà cho một thầy thuốc thương binh- CCB năm nay ở tuổi cửu thập.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang tại đường Xuân Diệu (Tây Hồ, Hà Nội) là một cụ bà, tuy tuổi đã cao, phải ngồi trên xe lăn nhưng mắt bà vẫn sáng, đặc biệt đầu óc còn minh mẫn, nhớ rất rõ những gì cuộc đời mình đã từng trải qua. Bà là Nguyễn Thị Kim Chính, sinh năm 1928 tại thôn Cốc, xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương – người nữ quân y Đại đội C53 ngày nào. Dù mang trong mình vết thương chiến tranh, tuổi cao, sức yếu nhưng bà vẫn luôn nỗ lực cống hiến không mệt mỏi cho công việc thiện nguyện.
Tháng 3/1946, tròn 18 tuổi, cô gái Nguyễn Thị Kim Chính đã xung phong vào đội xung kích và là một nữ trinh sát rất dũng cảm. Năm 1949, trong chiến dịch Lê Hồng Phong, một lần đi trinh sát ở miền núi Tuyên Quang bị địch phát hiện bắn bị thương, được bà con dân bản cứu chữa, sau một tuần, bà lại trở về đơn vị tiếp tục công tác. Hai lần bị thương nhưng khi khỏe lại bà vẫn đem hết sức mình ra làm việc. Vốn có chồng là sĩ quan quân đội, bà được chuyển về trường học sinh miền Nam và trở thành y tá chăm sóc cho học sinh của trường. Năm 1974, do sức khỏe không ổn định, bà được đơn vị cho về nghỉ chế độ với hàm trung úy.
Trở về đời thường bà bươn trải nuôi 5 người con để chồng yên tâm chiến đấu. Khi đại tá Phùng Minh Bội- chồng bà về nghỉ chế độ, bà vẫn tận tâm chăm lo cho chồng con có cuộc sống hạnh phúc, các con của bà nay đều thành đạt. Năm 1994 chồng bà qua đời. Thương tiếc chồng, bà cố gắng vơi bớt nỗi đau bằng việc tích cực tham gia công tác xã hội. Hơn 20 năm, bà được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng khu tập thể quân đội Nam Đồng- Đống Đa, 20 năm tham gia Hội CTĐ, nhiều khóa trúng vào cấp ủy Đảng, HĐND phường… Không chỉ tham gia toàn việc “thổi tù và hàng tổng”, bà còn nghiên cứu cách trị bệnh ung thư cho chính mình – căn bệnh bà mắc phải khi chưa đầy 50 tuổi từ cây trinh nữ hoàng cung. Bà dùng bài thuốc này kết hợp với các giải pháp điều trị của tây y, sau 20 năm đi kiểm tra thì không còn tế bào ung thư. Từ việc chữa bệnh của bản thân, bà đã bỏ nhiều công sức đi tìm giống cây trinh nữ hoàng cung từ đất nước Thái Lan về trồng và chăm sóc với mong muốn sẽ cứu giúp được nhiều bệnh nhân bị ung thư. Tuổi đã cao, việc đi lại khó khăn hơn do vết thương chiến tranh để lại, nhưng niềm vui của bà là mỗi ngày được chăm sóc vườn trinh nữ hoàng cung trên nóc tầng thượng. Bà cho biết, đến nay bà đã giúp đỡ cho nhiều bệnh nhân bị ung thư sử dụng bài thuốc do chính bà chuẩn bị. Đặc biệt, nhiều năm nay, hàng tháng bà để tiền trợ cấp thương binh, tiền mừng thọ, lì xì Tết… của mình vào riêng một chiếc hộp để khi có các cuộc quyên góp, bà lại lấy ra ủng hộ. Bà còn trích một phần tiền chế độ thương binh (880.000 đồng/tháng) để dành tặng cho những trẻ bị chất độc màu da cam hay những gia đình CCB nghèo của phường, quận. “Ở tuổi gần đất xa trời như tôi, được chứng kiến đủ cả những đau thương trong chiến tranh cũng như những hạnh phúc ngày giải phóng, là người con của nước Việt, tôi luôn cảm thấy tự hào. Hiện các con tôi đều có cuộc sống tốt, các cháu ngoan ngoãn, học giỏi. Với tôi, như vậy là đã mãn nguyện. Tuy nhiên, có một điều mà tôi luôn canh cánh trong lòng là hiện còn nhiều thương, bệnh binh đã cống hiến những năm tháng tuổi xuân, gìn giữ nền độc lập của Tổ quốc, nhưng đến nay cuộc sống của họ vẫn còn rất khó khăn, nhất là những gia đình có con bị nhiễm chất độc da cam. Họ rất cần sự chung tay giúp sức của xã hội. Tôi mong muốn thời gian tới, Đảng và Nhà nước có thêm những chính sách giúp đỡ cho các thương, bệnh binh có cơ hội được cải thiện cuộc sống của mình” – bà Chính chia sẻ.
Trong dịp kỉ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sỹ, bà Chính đã ủng hộ một năm chế độ thương binh của mình để đóng góp vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của quận. Nhân dịp kỉ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 vừa qua, thay mặt lãnh đạo, Trung tâm Y tế quận Tây Hồ đến thăm và tặng quà bà Chính, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài cảm động nói: “Bà Nguyễn Thị Kim Chính đã cống hiến tuổi xuân cho đất nước. Chiến tranh qua đi, bà trở về mang trên mình những vết thương, cơ thể không còn được khỏe mạnh nhưng vẫn luôn nỗ lực không ngừng trong cuộc sống cũng như trong các hoạt động xã hội tại địa phương. Nhiều năm công tác trong Hội chữ thập đỏ của phường, bà đã tích cực tham gia vào công tác thiện nguyện, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn tại quận Tây Hồ. Tấm lòng thơm thảo, trách nhiệm, nghĩa tình của thương binh- CCB Nguyễn Thị Kim Chính thật đáng trân trọng”.
90 tuổi đời, hơn 50 năm tuổi Đảng, bà Nguyễn Thị Kim Chính đã cống hiến tuổi xuân cho đất nước. Chiến tranh qua đi, bà trở về mang trên mình những vết thương, cơ thể không còn được khỏe mạnh nhưng vẫn luôn nỗ lực không ngừng trong cuộc sống cũng như trong các hoạt động xã hội tại địa phương. Nhiều năm công tác trong Hội chữ thập đỏ, bà đã tích cực tham gia vào công tác thiện nguyện, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn.
Lúc chia tay, ngồi trên xe lăn bà Chính chúc mọi người mạnh khỏe hạnh phúc, trong đó tôi nhớ nhất câu bà nói: “Tôi đã hai lần chết hụt trên chiến trường, nay về đời thường sống giữa đất nước phồn vinh mình phải sống sao cho xứng đáng…” và bà còn đọc cho chúng tôi nghe mấy câu thơ trong hàng trăm bài bà viết: “Sống ao ước muốn mong mọi thứ/Chết một đồng, một chữ không theo/ Thế gian cái sướng, cái nghèo/ Cái danh, cái lợi là điều chớ ham…”.
Minh Nguyễn – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 100, tháng 4/2017