10 năm thành lập Tạp chí Giáo dục Thủ đô: Những chuyện chưa kể về gương mặt trang bìa
(GDTĐ) – Khác với các báo, Tạp chí khác, việc lựa chọn nhân vật xuất hiện trên trang nhất của Tạp chí Giáo dục Thủ đô được thực hiện rất cẩn thận và kỹ càng. Bởi không chỉ sáng về ngoại hình, mỗi nhân vật được xuất hiện trên trang bìa phải là những tấm gương “người thật, việc thật” với những kết quả nổi bật trong giảng dạy, học tập và rèn luyện.
Phải là người xứng đáng
Có người nhận định rằng, Hà Nội quy tụ rất nhiều giáo viên tài năng, học trò sáng láng, thông minh vì thế việc chọn nhân vật để chụp ảnh bìa thật dễ dàng. Thế nhưng, nếu chỉ đơn giản như thế thì có lẽ Ban biên tập cùng phóng viên của Tạp chí Giáo dục Thủ đô đã không phải suy nghĩ, cân nhắc nhiều mỗi khi lựa chọn nhân vật ảnh bìa. Ngay từ khi thành lập đến nay tròn 10 năm, một trong những nét riêng của Tạp chí là gương mặt trang bìa chỉ dành cho người xứng đáng. Cụ thể, người được chọn phải là giáo viên, học sinh của Hà Nội, đạt kết quả cao trong dạy và học, mẫu mực về đạo đức, lối sống. Chính vì vậy, mỗi nhân vật được lên ảnh bìa đều được bạn bè, đồng nghiệp tôn trọng, đánh giá cao và bản thân mỗi nhân vật được lên ảnh bìa cũng thấy vinh dự và tự hào.
Cô giáo Dương Hồng Nhung (trường Tiểu học Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm), gương mặt ảnh bìa của số Tết chào xuân Kỷ Hợi năm 2019 chia sẻ: “Khi mới bước vào nghề dạy học, nhìn thấy cuốn Tạp chí Giáo dục Thủ đô ở phòng hội đồng và thư viện nhà trường, tôi đã thầm mong một ngày nào đó mình sẽ trở thành gương mặt trang bìa của Tạp chí. Thực tế, trước đó tôi đã từng được chụp ảnh bìa cho một số tạp chí nhưng đối với tôi, một cô giáo của Hà Nội, không có vinh dự nào hơn khi được là nhân vật trang bìa của Tạp chí Giáo dục Thủ đô, cơ quan ngôn luận – nghiên cứu lý luận của ngành GDĐT Hà Nội”.
Cô giáo Hồng Nhung cho biết, khi Tạp chí phát hành, không chỉ cô thấy hạnh phúc mà đồng nghiệp, học trò cũng san sẻ niềm vui và vinh dự khi giáo viên của trường mình được lên trang bìa (cuốn Tạp chí mà họ đọc và theo dõi bấy lâu nay). “Nhưng điều khiến tôi thấy vui hơn cả là bố mẹ tôi ở quê, ông bà mang đi khoe với mọi người vì con làm giáo viên mà được lên trang bìa của Tạp chí của ngành giáo dục Hà Nội thì đó là lời giới thiệu tuyệt vời và thuyết phục nhất”, cô Nhung tiết lộ.
Là giáo viên trẻ mới vào nghề nhưng với tình yêu trẻ thơ và âm nhạc, cô Nhung đã có nhiều sáng tác cho thiếu nhi. Cô đã đoạt giải B cấp Thành phố trong cuộc thi Hát và sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi. Về chuyên môn, cô cũng đã đoạt giải Nhất hội thi GVDG cấp quận. Đối với cô, được lên trang bìa là một dấu ấn trong nghề. Cuốn Tạp chí là lời nhắc cô kiên định và tâm huyết với nghề, giúp học sinh yêu thích môn âm nhạc (đặc biệt là âm nhạc truyền thống của dân tộc và nhạc thiếu nhi đúng với lứa tuổi các em), đồng thời giúp các em vượt qua sự nhút nhát để tự tin khẳng định, thể hiện bản thân trong các hoạt động trên lớp cũng như trong cuộc sống.
Cô giáo Nguyễn Thị Phượng (trường Mẫu giáo mầm non B Hà Nội) được chọn làm gương mặt trang bìa của Tạp chí Giáo dục Thủ đô từ tháng 4/2017. Thế nhưng đến nay trong cô vẫn còn đọng lại nhiều cảm xúc của sự kiện ấy. Cô chia sẻ: “Khi được chọn chụp ảnh bìa, tôi thấy rất vui và vinh dự. Vui vì được Ban giám hiệu nhà trường lựa chọn trong số rất nhiều cô giáo tài hoa của trường. Tôi biết, để xuất hiện trên Tạp chí thì chỉ hình thức đẹp thôi chưa đủ mà cần cả tài năng và tâm huyết. Được chụp ảnh bìa cho thấy sự ghi nhận của nhà trường, của ngành về những cố gắng, phấn đấu và kết quả mà tôi đã đạt được”.
Cô Phượng cũng vẫn nhớ như in quá trình chụp ảnh bìa, bởi với cô đó là một kỷ niệm đẹp với cả cô và trò. Cô kể lại: “Chụp hình cùng các con học sinh, việc đầu tiên chúng tôi làm là cùng phụ huynh lựa chọn cho các con trang phục thật đẹp. Tôi cũng chỉnh trang mái tóc, gương mặt cho các con, cố gắng để chọn góc ảnh đẹp nhưng vẫn có sự tự nhiên. Cái khó là làm sao để tôn các con lên, không bị che mặt của học trò nào trong bức ảnh. Thú thực khi đó tôi không quan tâm đến bản thân mình lắm. Tôi chỉ cố gắng giúp các trò tươi cười và giao lưu với nhau. Các con còn lạ lẫm khi chụp ảnh nhóm và trước ống kính nên tôi cố gắng tâm sự và pha trò cho các con tươi cười, quên đi là mình đang chụp ảnh. Kết quả là, khi nhận được Tạp chí, các con vui lắm, cứ rối rít tranh nhau xem”.
21 năm gắn bó với nghề dạy học, cô Phượng đã đạt không ít thành tích trong công tác, từng ba lần đạt Giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố, nhiều lần dạy các tiết, chuyên đề điểm hướng dẫn cho đồng nghiệp của trường và của các quận, huyện khác trên địa bàn Thành phố. Với cô Phượng, cuốn Tạp chí Giáo dục Thủ đô như một giấy khen mà cô đạt được. Vì vậy, cô đặt ở vị trí trang trọng, dễ nhìn trong tủ sách. “Hình ảnh của bản thân trong cuốn Tạp chí không chỉ ghi nhận những đóng góp của tôi với nghề dạy học mà nó còn thôi thúc tôi phải tiếp tục cố gắng hơn nữa, phấn đấu và không ngừng học hỏi để đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục trong thời đại mới” – cô Phượng, nay đã là Phó Hiệu trưởng của trường MGMN B chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Thị Hà (TH Đông Ngạc B, quận Bắc Từ Liêm) cũng được lựa chọn làm gương mặt trang bìa khi đoạt giải Nhất hội thi GVDG cấp Thành phố. Trước đó, cô đã giành giải Ba cấp quận hội thi GVDG Lịch sử địa phương, là Phó Bí thư chi đoàn với nhiều thành tích trong công tác Đoàn và phong trào thiếu nhi. Cô cho biết, sau khi được lên trang bìa của Tạp chí rất nhiều bạn bè, kể cả những bạn cùng học sư phạm giờ đang công tác ở các tỉnh thành khác trên cả nước cũng đã gọi điện, nhắn tin hỏi thăm, chúc mừng khiến cô vô cùng hạnh phúc và tự hào. Cô còn hạnh phúc hơn khi những học sinh cũ cũng đã tìm mua Tạp chí để xem và đọc bài viết về mình.
Nói về sự “nổi tiếng” bất ngờ này, cô Hà chia sẻ: “Chụp ảnh bìa cho Tạp chí Giáo dục Thủ đô thì phải chuẩn mực từ ăn mặc tới cách tạo dáng. Không được hở hang phản cảm, không tạo dáng lố. Điều này khiến tôi rất thích và thực sự phù hợp với cá tính của tôi. Không chỉ vui khi được xuất hiện trên trang bìa của Tạp chí, tôi còn thấy vô cùng xúc động khi được đọc bài viết về mình trong mục Tôn vinh. Tác giả của bài viết đã khắc họa thật chân thực về nghề dạy học của tôi. Bài viết còn giúp người đọc hiểu hơn về truyền thống khoa bảng của quê hương tôi, về truyền thống gia đình tôi cũng như giới thiệu về ngôi trường mà tôi đang công tác. Điều đó càng làm tôi có thêm động lực để tiếp tục gắn bó, sáng tạo và tâm huyết với nghề dạy học”.
Truyền cảm hứng từ mỗi bức hình
Có thể nói, thầy và trò ngành GDĐT Thủ đô là hai chủ thể chính của ảnh bìa trong các cuốn Tạp chí Giáo dục Thủ đô. Với các giáo viên, phóng viên không chỉ tìm kiếm, chọn lựa những giáo viên vừa có tài vừa có sắc, đạt giải cao từ các cuộc thi GVDG của Thành phố, mà còn lựa chọn qua các hoạt động giáo dục của Thủ đô để thấy sự tâm huyết với nghề, sự năng động, sáng tạo, ứng dụng CNTT, đổi mới dạy học… Còn với học sinh, Tạp chí luôn bám sát đời sống học đường của các em để lựa chọn những hình ảnh mang tính thời sự nhất, chẳng hạn như chụp ảnh nhóm học sinh đang trao đổi về kiến thức khoa học khi tham gia Cuộc thi KHKT cấp Thành phố năm học 2018 – 2019; Đội tuyển IJSO gồm những học sinh của Hà Nội đại diện cho Việt Nam chuẩn bị sang nước ngoài thi tài… Và mới đây nhất là hình ảnh cô và trò trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam rạng rỡ trong ngày khai trường năm học mới 2019 – 2020. Khi lễ khai giảng vừa kết thúc thì cũng là lúc ảnh được gửi khẩn trương cho họa sĩ để trình bày và in ấn cho kịp tiến độ.
Thông qua trang bìa của Tạp chí, người đọc được biết thêm về kết quả nổi bật của giáo dục và đào tạo Thủ đô. Bởi được lựa chọn làm gương mặt ảnh bìa phải là những học sinh xuất sắc trong học tập và rèn luyện. Có thể kể kể đến những học sinh đã mang vinh quang về cho Tổ quốc như Lê Thảo Linh (HCV cá nhân tại kỳ thi Khoa học quốc tế JSC) và Ngô Thái Bình (HCV quốc tế cuộc thi Thách thức nhà khoa học tương lai CFM) của trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm; Đặng Cường Thành (TH Đoàn Thị Điểm) với hàng loạt HCV trong nước và quốc tế về Toán, tiếng Anh; Vũ Minh Châu (TH Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm) với số điểm tuyệt đối tại Kỳ thi Vô địch các đội tuyển Toán thế giới (WMTC) và còn rất nhiều những học sinh đoạt HCV các cuộc thi Olympic quốc tế về Toán, khoa học, và cả những học sinh đoạt giải cao các cuộc thi Âm nhạc, Piano, Violin quốc tế cũng đã được Tạp chí chọn và đăng tải trên trang bìa.
Đằng sau hình ảnh trang bìa còn là những câu chuyện cảm động về tinh thần vượt khó của học sinh Thủ đô. Đó là câu chuyện về Trần Quốc Trung (THCS Nam Từ Liêm), bố mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi em ăn học. Đáp lại kỳ vọng của bố, sự vất vả của mẹ, Trung liên tiếp nhiều năm liền là HSG toàn diện, từng đạt giải Đồng thi tìm kiếm tài năng Toán học cấp quốc gia; giải Đồng quốc tế tại cuộc thi Toán châu Á – Thái Bình Dương. Bức ảnh đã thành công khi toát lên tố chất thông minh, rạng rỡ của cậu học trò nhỏ, đồng thời, ánh mắt cương nghị của em trong bức hình cũng khắc họa được cá tính mạnh mẽ, sự quyết tâm cao và nghị lực lớn trong dáng hình bé nhỏ.
Trong hành trình 10 năm tìm kiếm và ghi hình gương mặt ảnh bìa, có lẽ nhân vật truyền cảm hứng và gây ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với những người làm công việc này chính là cô bé Lê Phương Anh (Học sinh khiếm thính của trường PTCS Xã Đàn). Nhìn ảnh bìa số 91, tháng 8/2017 với hình ảnh cô học trò xinh xắn, ánh mắt trong veo, dang tay đón những cánh điệp vàng rơi trong nắng Thu rực rỡ, ai cũng phải trầm trồ. Thế nhưng phải đọc Tạp chí thì mới thấy hết được ý nghĩa ẩn sâu trong bức ảnh đó, bởi Phương Anh bị khiếm thính tới mức độ 3 (khiếm thính ở mức độ nặng nhất trong các bạn cùng khóa), một tai bị ảnh hưởng tới 99% và gần như không nghe thấy, tai còn lại ở mức 96dB (đề xi ben). Đây là mức độ cao bởi các bạn học hòa nhập giống em cũng chỉ ở mức 40 đến 80dB. Thế nhưng, Phương Anh lại là học sinh học tốt nhất trong số các bạn học hòa nhập, em học tốt Toán và Tiếng Anh, đồng thời từng 2 năm giành giải Ba cấp quận cuộc thi viết chữ đẹp, giải Nhất thi vẽ cấp trường… Với mức độ khiếm thính, tưởng rằng việc chụp ảnh bìa rất khó khăn bởi rào cản trong giao tiếp giữa người chụp và nhân vật. Thực tế lại khác, Phương Anh lại là người rất thông minh, chỉ cần người chụp biểu thị bằng ánh mắt, bằng cử chỉ tay là em đã có thể hiểu mình cần phải làm gì. Vì thế, quá trình chụp ảnh em làm trang bìa tại trường PTCS Xã Đàn diễn ra rất nhanh gọn.
Với những gương mặt được lên trang bìa, cuốn Tạp chí Giáo dục Thủ đô chính là món quà kỷ niệm giàu ý nghĩa, ví như phần thưởng cho sự nỗ lực trong giảng dạy và học tập. Cuốn Tạp chí vì thế được các giáo viên, học sinh trân trọng giữ gìn và chia sẻ. Còn với Tạp chí Giáo dục Thủ đô nói riêng, với ngành GDĐT Hà Nội nói chung, những trang bìa của Tạp chí như một kho tàng, nguồn tư liệu phong phú, giàu màu sắc về những thành tựu của giáo dục Hà Nội trong 10 năm qua.
Tô An – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 117, tháng 10/2019