Trăn trở của các bậc phụ huynh khi có con đi du học

Trăn trở của các bậc phụ huynh khi có con đi du học

(GDTĐ) – Với nhiều người, du học hiện nay không còn là một việc quá xa xỉ và lạ lẫm. Bằng chứng là càng ngày càng có nhiều phụ huynh muốn cho con đi du học. Việc đi du học không chỉ đáp ứng mong muốn của các bậc cha mẹ mang đến cho con một sự giáo dục tốt nhất mà còn giúp các bạn trẻ có được kiến thức, cải thiện trình độ tiếng Anh và nâng cao kĩ năng mềm- điều vô cùng thiết yếu với mỗi công dân trong xu thế hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, khi cho con đi du học, hầu hết các bậc phụ huynh đều băn khoăn về việc chi phí và điều kiện sinh hoạt của con mình ở môi trường mới?… Dưới đây là một số thông tin nhằm giúp các bậc phụ huynh và các em học sinh hiểu thêm nhiều vấn đề về du học.

 

Du học sẽ mất rất nhiều tiền?

Trên thực tế, mỗi nước đều có chi phí sinh sống, học tập, ăn ở, đi lại… khác nhau và có một điều rất rõ là chi phí sinh hoạt có nước này rẻ hơn nước kia và ngược lại. Ví dụ như đầu tư cho con đi du học ở các nước như Anh, Mĩ sẽ đòi hỏi chi phí cao hơn nhiều so với các nước như Singapore, Hồng Kông, Đài Loan…. Tuy vậy, các bậc phụ huynh không nên cho rằng chương trình du học có chi phí thấp thì chất lượng kém, bởi vì hiện nay có khá nhiều chương trình du học ở các nước với chi phí phải chăng mà chất lượng giáo dục vẫn được đảm bảo, ví dụ như Singapore, Hồng Kông hay một số chương trình ở các nước Châu Âu có chi phí không quá cao do được hưởng khá nhiều ưu đãi về học phí. Vì thế, trước khi cho con đi du học, cha mẹ cần cân nhắc kĩ, sự cân bằng phải được đưa lên hàng đầu để con bạn có thể tận hưởng một chương trình giáo dục tốt nhất với mức chi phí phù hợp.

Các em sẽ không thích nghi được với môi trường mới?

Khi đi du học, cho dù môi trường khác nhiều hay ít, học sinh luôn luôn phải chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho cuộc sống du học ở nước bạn.

“Sốc văn hóa” là một thuật ngữ được sử dụng nhiều trong cuộc sống du học. Nhiều em bị “Sốc văn hóa” vì các em không chuẩn bị trước cả về tâm lí cũng như kiến thức, chính vì vậy, khi sang nước bạn không hòa nhập được với cuộc sống mới, dẫn đến mệt mỏi chán nản, kết quả học tập sút kém. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự thiếu tỉ mỉ trong khâu chuẩn bị trước khi lên đường du học. Sự chuẩn bị ở đây gồm nhiều thứ, từ việc tìm hiểu trước về đất nước, con người, văn hóa đến ngôi trường sẽ học hay chất lượng giáo viên, học sinh… Tất cả những thứ đó không chỉ giúp học sinh hiểu rõ hơn về nơi mình sẽ sống và học tập, mà còn giúp các em có một tâm lí thoải mái để sẵn sàng thích nghi với môi trường mới.

Các em không biết sắp xếp cuộc sống của mình ở nước ngoài?

Một lợi ích của việc du học mà việc học ở nhà không có là tính kỉ luật, tự giác của học sinh sẽ được cải thiện rất nhiều. Chính vì thế, để có thể làm chủ cuộc sống khi đi du học, ngay từ khi ở nhà, các em phải rèn luyện dần việc tổ chức sắp xếp cuộc sống bản thân. Từ việc cá nhân đến các việc trong nhà, nếu như trước đây các em chưa làm bao giờ thì phải tập làm càng sớm càng tốt để khi sang nước ngoài không quá bỡ ngỡ.

Không quen với nếp học mới, khả năng học tập kém?

Đi du học nhằm phục vụ mục đích chính là học tập. Để đạt kết quả học tập cao nhất, các em phải xác định rõ mục đích của mình. Nếu đi du học mà bỏ bê việc học thì sẽ lãng phí tiền bạc và công sức. Bởi lẽ đó, nếu xác định rõ mục đích đi du học trước khi lên đường thì sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí. Ngoài ra, trước khi đi du học, học sinh có thể đọc trước các loại sách, tài liệu liên quan đến chương trình sẽ học để làm quen với các môn học trước khi nhập trường.

Dù là đi du học nước nào, các bậc phụ huynh và các em nên có sự chuẩn bị kỹ về kiến thức cũng như tâm lí để đảm bảo có một cuộc sống tốt nhất khi ở nước ngoài. Bên cạnh đó, các em cần rèn luyện các kĩ năng mềm để có một cuộc sống tự lập khi đi học.

Nguyễn Quang Tùng (SV trường Kainan University) – Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 68 (tháng 9/2015)