Vlogger Đinh Võ Hoài Phương và hành trình lan tỏa giá trị ẩm thực Việt

Vlogger Đinh Võ Hoài Phương và hành trình lan tỏa giá trị ẩm thực Việt

(GDTĐ) – Với niềm đam mê dành cho ẩm thực và du lịch, Đinh Võ Hoài Phương – chủ nhân kênh Youtube “Khoai lang thang” với hơn 340.000 lượt người theo dõi đã rong ruổi nhiều vùng miền để ghi lại những thước phim độc đáo về các món ăn đậm chất địa phương. Đối với chàng trai trẻ, sở thích “xê dịch” và những chuyến đi đã đem đến cho anh những trải nghiệm cuộc sống quý giá.

youtuber Đinh Võ Hoài Phương

Tốt nghiệp ngành kỹ thuật công trình xây dựng nhưng sau ba năm gắn bó với nghề kỹ sư, Hoài Phương lại quyết định nghỉ việc để theo đuổi công việc của một vlogger du lịch. Nói về cái duyên này, anh chia sẻ: “Khi cảm thấy nghề kỹ sư thực sự không phù hợp, tôi tự hỏi tại sao mình không thử sức làm một công việc phù hợp với đam mê và nguyện vọng của mình. Dùng khoản vốn tích lũy được, tôi thử nghiệm làm những video đầu tiên cho kênh Youtube “Khoai lang thang” và những phản hồi tích cực từ người xem đã cho tôi động lực để phát triển sự nghiệp theo hướng này”.

Tuy nhiên, sự dấn thân với công việc mới cũng đặt ra cho anh nhiều áp lực và thách thức. Hoài Phương kể: “Lúc đó, bản thân tôi thiếu rất nhiều kinh nghiệm như kỹ năng quay dựng phim, nói chuyện trước ống kính… Để khắc phục điều đó, tôi tự học từ Internet và học hỏi bạn bè. Đặc biệt, trước khi đi du lịch ở một nơi nào đó, tôi luôn chuẩn bị một kế hoạch sơ bộ, tìm hiểu những nét văn hóa, cuộc sống của người dân ở điểm đến sắp tới”. Nhờ sự tìm tòi học hỏi và nỗ lực không ngừng, chất lượng các sản phẩm video của Hoài Phương ngày càng hoàn thiện. Điều đó góp phần giúp “Khoai lang thang” thu hút một lượng người xem ổn định và nhiều video của kênh có hàng triệu lượt xem.

Hiện nay, với sự phát triển của Internet và đời sống xã hội, các kênh “review ẩm thực” ngày càng phổ biến. Trong danh sách tìm kiếm rất dài đó, “Khoai lang thang” đã tạo cho mình một phong cách riêng, khá hiện đại. Hoài Phương chia sẻ: Tôi luôn bắt đầu câu chuyện từ những món ăn, sau đó mới dẫn dắt mọi người tới các địa điểm tham quan. Điều quan trọng khi giới thiệu các món ăn là không nên chỉ dừng lại ở địa điểm, giá thành mà bạn cần biết cách kể chuyện. Các món ăn mang trong mình văn hóa riêng biệt của địa phương.

 

Lý giải về sự mến mộ của người xem dành cho mình, Hoài Phương cho rằng yếu tố quan trọng giúp khán giả cảm thấy sự gần gũi và gắn bó với kênh “chính vì những video của mình luôn hướng tới cảm xúc chân thật và sự hòa mình vào cuộc sống của người dân địa phương”. Anh kể: “Khi tập mới chưa kịp ra mắt, tôi thường nhận được tin nhắn của khán giả động viên. Tôi cảm thấy rất vui vì điều đó”.

Với những nơi đã đi qua, “Khoai lang thang” luôn lưu giữ cho mình những trải nghiệm đáng nhớ. Anh kể: “Tôi may mắn được tham gia các hoạt động cùng bà con như hái bông súng, nhổ bồn bồn, hẹ nước, thả lưới bắt cá hay những cuộc trò chuyện cùng các o, các mệ xứ Huế… Tất cả đều để lại trong tôi những cảm xúc tuyệt vời. Nhớ lần đi nhổ hẹ nước cùng bà con miền Tây, tôi có cơ hội lao động và ăn cơm trưa với các cô chú. Họ là những người lao động chất phác, yêu đời, mặc dù cuộc sống còn vất vả, họ vẫn luôn nghĩ về những người đồng bào miền Trung khi đó mới trải qua trận bão lũ kinh hoàng”.

Đó cũng có thể là những lần anh được gia đình người dân địa phương mời về nhà nấu ăn và dùng cơm chung. Chàng trai thích xê dịch tâm sự: “Ở một nơi rất xa, dùng chén cơm trưa cùng những người trước đó chưa từng quen biết tôi thấy thực sự xúc động. Tôi đã cố gắng truyền tải niềm vui dung dị đó trong những khuôn hình gửi tới người xem”.

 

Ẩm thực Việt Nam rất phong phú, đa dạng và tinh tế! Điều đó được thể hiện từ nguyên liệu đến cách chế biến. Tuy nhiên, Hoài Phương cho rằng rất nhiều trong số những giá trị ẩm thực độc đáo mới chỉ dừng lại ở một vùng, miền cụ thể nào đó. Thậm chí nhiều giá trị truyền thống đang bị mai một, tiêu biểu như các khu chợ nổi của vùng sông nước miền Tây.

Theo chủ nhân kênh “Khoai lang thang”, việc phát huy những giá trị của ẩm thực Việt trong du lịch là rất cần thiết. Điều đó không chỉ góp phần làm phong  phú các dịch vụ du lịch, cải thiện thu nhập cho người dân địa phương, mà còn có ý nghĩa trong việc gìn giữ và bảo tồn các giá trị truyền thống. Đó cũng chính là lý do để anh tiếp tục “lang thang” đây đó và kể những câu chuyện “ẩm thực” tới khán giả.

Thắng Trần – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 105, tháng 10/2018