Trẻ em bây giờ “khát”… những lời khen

Trẻ em bây giờ “khát”… những lời khen

(GDTĐ) – Trẻ em hiện nay đa số là không đói ăn, đói mặc, nhưng các em đang bị “bỏ đói những lời khen” nên thèm muốn, khát khao những lời khen ngợi. Sự ghi nhận, dù đó là những lời khen ảo cũng khiến các em cảm thấy mình có giá trị. Nút “like” trên mạng xã hội facebook đã làm được điều đó dẫn đến những hiện tượng “câu like”, “khoe đủ thứ” và hội chứng “nói là làm” không hay xảy ra khiến cho nhiều người phải suy ngẫm.

Ảnh minh họa, nguồn: internet

Con người khát khao được chú ý, được quan tâm, được đề cao, được khen ngợi. Điều đáng sợ nhất với con người không phải là đói ăn, khát uống, bởi những thứ đó không quá khó kiếm, nhưng để được chú ý, khen ngợi, ca ngợi… thật khó khăn. Hiện tượng mong muốn được khen (được like) được gọi là “thị dục huyễn ngã”. Dale Carnegie trong cuốn “Đắc nhân tâm” đã viết: “Thị dục huyễn ngã” là thị dục mạnh nhất của con người, bởi thế, định luật quan trọng nhất trong giao tiếp chính là “luôn làm cho người khác cảm thấy sự quan trọng của họ”. Nhưng một số không ít con em chúng ta hiện nay đang thừa mứa những lời chê bai, chỉ trích, những mệnh lệnh, ép buộc, nhưng “đói” những sự ghi nhận, ngợi khen, thế là theo quy tắc “đói bụng đầu gối phải bò”, các em phải đi tìm kiếm cả ở ngoài đường lẫn ở mạng ảo.

          Ở nhà, các em thường được nghe những câu nói, nhận xét, đánh giá của cha mẹ như: “Sao dạo này con học hành chểnh mảng thế”, “Cũng cơm gạo như con người ta, sao nhìn con người ta mà thèm, năm nào cũng đạt học sinh giỏi, còn con nhà mình thì…”. Đi học sớm một chút, bị mẹ hỏi ngay: “Đi sớm làm gì, bảy rưỡi mới vào học, đi sớm để đàn đúm, đánh nhau à?”. Về chậm một chút, lại bị bố hỏi: “Sao giờ này mới về, lại la cà, bố mà phát hiện con chơi điện tử, đừng trách bố ác”. Học cả ngày đã mệt, bước chân về nhà trẻ chỉ muốn lên phòng, thay quần áo, nằm ra giường thả lỏng một chút thì bị bố mẹ gọi giật lại, hỏi: “Con làm sao thế, cả ngày đi học, về đến nhà không tâm sự gì với bố mẹ, tót ngay vào phòng mình đóng kín cửa là sao?”. Ăn xong, muốn xem ti vi một tí cho khuây khỏa, muốn nhắn tin cho bạn, hay đơn giản là “nghịch điện thoại” một chút, bị nhắc ngay: “Thôi, bỏ điện thoại, lên học đi, lớp 11 rồi đấy, chả mấy chốc mà thi đại học đâu, không học đi, nước đến chân mới nhảy thì hối không kịp”. Đứa trẻ chán chẳng muốn nói lại với bố mẹ, lững thững đi lên gác, cảm thấy sao mình bất tài, vô dụng, chẳng có ý nghĩa gì với ai cả. Vào phòng, ghé qua facebook, đã thấy bao nhiêu người để lại hàng trăm like với các loại comments như: “Ôi, đẹp trai quá!”, “So cute”, “Manly ghê!”… Chỉ có mỗi cái ảnh ngồi vắt vẻo trên xe đạp điện mà nhận được ti tỉ lời khen ngợi, thế là cu cậu tủm tỉm cười, ít ra còn thấy đời tươi lên một chút. Thế là hôm sau, lúc rảnh, muốn được khen, được thích, lại đăng một câu nói nào đó hay hay một tí, giật gân một tí, ảnh thì phải độc đáo một tí. Đăng rồi thì hồi hộp, đợi chờ, lâu lâu lại ghé qua “đếm like”, càng nhiều like, nhiều lời nhận xét, càng vui sướng.

Ảnh minh họa, nguồn: internet

          Ở nhà đã vậy, đến trường vừa vào đến cổng đã gặp thầy, cô giám thị nhắc “Đi nhanh lên, 3 phút nữa đánh trống đấy”. Thứ Hai, trong giờ chào cờ đầu tuần, nhà trường nào cũng đọc danh sách những em học sinh đi muộn, chưa làm bài, bị ghi sổ đầu bài, chưa nộp báo tường, chưa đóng tiền ủng hộ…. Cố gắng phấn đấu cả học kỳ hay một năm học, đến ngày sơ kết, tổng kết, tên mình cũng chẳng được nêu lên, có khi cũng chỉ được đọc gộp kiểu: “lớp 10A3 có 10 học sinh đạt học sinh xuất sắc” (có danh sách kèm theo). Đã lớn rồi, được các thầy, các cô khen mãi mấy câu “chăm chỉ học tập, tích cực tham gia các hoạt động của lớp, của trường, đạt danh hiệu học sinh tiên tiến…” cũng nhàm chán. Chẳng thầy cô nào khen mình “ra dáng nam nhi”, “cao to vạm vỡ”, “dễ thương”, “nữ tính”, mà toàn những thứ các em cần.

          Thế là giờ giải lao, buổi trưa hí hoáy đăng cái ảnh mặc bộ đồ thể thao, lát sau đã có bao nhiêu “em” trên mạng khen: “anh ơi, anh đẹp trai quá”, “mình làm quen nhé”, “anh ở đâu thế”, “dễ thương quá”, toàn những thứ mong đợi. Nhưng “câu like” cả tuần được mỗi hơn một trăm like, thấy vẫn ít. Rồi đến lúc đăng cái ảnh cởi trần, để khoe ngực 6 múi, lượng like tăng vèo vèo. Sướng quá, đang khát lời khen, tiện tay đăng một câu “vớ vẩn vu vơ” dạng: “đủ nghìn like sẽ đốt xe máy”, “đủ 2 nghìn like sẽ đốt trống… trường”. Tưởng đùa cho vui, ai ngờ cộng đồng mạng cũng nhiệt tình thưởng like, con số đạt đến ngưỡng cần “đốt xe máy’, “đốt trống trường”, đã thấy có những lời nhắc “nói là phải làm”, “đốt đi”. Định “bỏ của chạy lấy người”, nhưng mạng không hoàn toàn ảo. Cái mặt của mình đăng trên facebook ai cũng biết, họ còn biết rõ nhà ở đâu, học lớp mấy, trường nào. Thế là lẻ tẻ có những lời dọa nạt rằng “nói mà không làm thì sẽ bị trừng phạt, đừng trách…”. Lo lắng, sợ sệt, trốn học nghỉ ở nhà, nhưng chẳng dám nói với ai, nói với bố mẹ thì “ăn đòn”, kêu cứu thầy cô có khi còn bị kỉ luật. Thế là các em âm thầm chịu đựng sức ép từ những người đã “yêu thích” mình. Đến khi không chịu đựng được nữa, đành làm thật, biết là dại, nhưng không thể bỏ cuộc…

          Người lớn đừng quên rằng con em chúng ta không chỉ cần ăn no, ăn ngon, mặc đẹp, cho đủ tiền để học, mà cần lắm những lời khen ngợi, ghi nhận, động viên để cảm thấy mình có giá trị, có ý nghĩa với ai đó, đừng để các em đói ăn vụng túng làm liều, muốn nhận những lời khen mà phải làm những điều chúng không muốn thế…

Đinh Thủy, nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 84, tháng 12/2016