Vợ chồng trẻ con

Vợ chồng trẻ con

(GDTĐ) – Hiện nay, có những người đã quá tuổi “băm” vẫn chưa chịu lập gia đình, nhưng ngược lại, cũng có rất nhiều người làm bố mẹ khi còn đang ở tuổi “trẻ con”.

Họ tiến tới hôn nhân bằng rất nhiều lý do, yêu nhau có, lỡ làng cũng không ít. Điều đáng nói, có người nhanh chóng lớn lên từ chính cuộc hôn nhân ấy, nhưng cũng không ít cặp đôi rơi vào bế tắc.

Ảnh minh họa

Câu chuyện của gia đình ông Hưng, trong khu phố tôi ở là một ví dụ. Ngày ông tổ chức cưới cho con trai, người đến chung vui cứ bần thần vì nhìn cô dâu chú rể mặt còn như… búng ra sữa. Đôi bạn trẻ ấy vốn chung trường phổ thông. Khi tình bạn chuyển thành tình yêu, gia đình “nhắc nhở” yêu đương chừng mực thôi, phải lo học trước đã. Nhưng cũng như nhiều người trẻ khác khi bước vào yêu, chúng sống “hết mình cho tình yêu”, để rồi hậu quả của cuộc tình non trẻ ấy là cô gái có thai khi chưa kịp tốt nghiệp cấp ba. Lỡ làng rồi, chàng trai quyết đòi bố mẹ cho cưới. Cười ra nước mắt khi hai bên gia đình gặp nhau để bàn chuyện “đã rồi”. Chú rể “tưng tửng” thưa chuyện với bố mẹ vợ: “Cháu ông bà bằng cái ấm tích rồi, không bỏ được đâu. Cưới xong, bố mẹ con sẽ nuôi nó học xong cấp ba, thi vào đại học, nhưng ông bà phải lo việc đấy”. Nghe xong, cả hai ông bố đều giận đùng đùng bởi cái cách chàng trai phát biểu, còn hai bà mẹ thì rơm rớm nước mắt bởi lo cho con. Rồi không đừng được, đám cưới vẫn diễn ra trong vội vã. Chú rể trẻ con trong ngày cưới còn mải vui đánh tá lả với bạn bè quên cả đón dâu, để bố mẹ cậu khốn khổ vì giục giã.
Những ngày đầu mới cưới, cuộc sống vợ chồng cũng êm ấm. Bố mẹ đôi bên cũng thoáng mừng cho rằng chúng đã khôn lên. Nhưng chỉ đến khi đứa con ra đời, cô gái nghỉ học giữa chừng ở nhà trông con, anh chồng đỗ đại học tiếp tục học lên song phải phụ giúp bố mẹ việc nhà. Ở cái tuổi đáng ra còn bay nhảy, bị bó vào vợ con, công việc khiến cậu khó chịu. Chưa kể khi chưa lấy vợ, cậu đã nổi đình nổi đám trong trường vì… “quậy”, nay lấy vợ cậu vẫn không thể bỏ lối sống cũ. Trong khi vợ lại muốn chồng tu tỉnh vào việc chăm sóc vợ con. Mỗi người mỗi ý, những cuộc cãi cọ liên tục nổ ra. Nhiều người nhìn vào lắc đầu: “Đúng là tự mang khổ vào thân”.
Rồi sau khi sinh con, vợ lại “chín” hơn về nhan sắc, khiến cậu bắt đầu nảy sinh những cơn ghen bóng gió. Từ những cuộc cãi vã, chuyển thành những trận chiến, mặc sự can ngăn của bố mẹ. Nhiều hôm nửa đêm mọi người bỗng giật mình do tiếng cãi lộn, loảng xoảng của đồ đạc, rồi sau đó là tiếng khóc ré của thằng cu con. Cô vợ lớn tiếng: “Có vợ con rồi mà đến trường vẫn xí xớn, tán tỉnh các em mới”. Anh chồng cũng không vừa: “Cô tưởng cô tử tế đấy à, nửa đêm rồi còn nhắn tin cho thằng người yêu cũ, im mồm đi cho con nó ngủ”… Giận dỗi, cô bế con về nhà bố mẹ đẻ. Rồi dần dà, cô vợ trở lại cuộc sống của cô gái mới lớn, lại vi vu cùng những người con trai khác, còn chồng cô cũng tìm cho mình những người bạn gái mới. Cả hai bỏ mặc con cái để chạy theo những vui thú của bản thân. Đứa con ông bà nội ngoại thay nhau nuôi và nuôi thêm cả bố mẹ nó.
Ngồi ôm đứa cháu còn chưa đến tuổi cai sữa, ông bà buồn, giận con và giận luôn cả mình đã không cương quyết để chỉ cho con cách bước vào đời. Cơ sự hôm nay cũng bởi bọn chúng còn quá trẻ, non nớt, nên cuộc sống vợ chồng “trẻ con” ấy ít hạnh phúc đã đành, cũng khó tránh được chuyện từ cãi cọ thành đánh nhau sứt đầu, mẻ trán. Nhìn ra xã hội, ông bà cũng rất ngạc nhiên, bao nhiêu bài học nhãn tiền ấy, nhưng những cô bé, cậu bé bây giờ vẫn đua nhau lao vào yêu đương, sống vô trách nhiệm với mình và cả người xung quanh. Khi mọi việc đã rồi, họ lại trút trách nhiệm sang người lớn mà không biết đứa con của mình sẽ là người chịu thiệt thòi. Chính ông bà cũng hoang mang không biết tương lai của nó và bố mẹ nó sẽ ra sao.

Theo Kinh tế và Đô thị