Cha phúc đức sinh con nhân từ

Cha phúc đức sinh con nhân từ

(GDTĐ) – Tôi nhận được cuộc điện thoại lạ của một chàng trai tự xưng là sinh viên đang học ở Hà Nội. Chàng trai nói: “Chú có phải là chuyên gia tư vấn tình yêu không? Cháu xin phép hôm nào được gặp chú, không phải để hỏi về chuyện tình cảm của cháu, mà để kể về mối tình của bố mẹ cháu”.

Cậu sinh viên tiếp tục tâm sự: “Cháu là dân kỹ thuật, không biết viết văn, nhưng thật sự chuyện tình của bố mẹ cháu đáng viết thành chuyện để mọi người được đọc và suy ngẫm. Hôm nọ cháu đọc báo thấy kể về một người vợ đốt chồng, một người đàn ông giết vợ… mà thấy bức xúc. Càng nghĩ, cháu càng mong muốn được kể về mối tình của bố mẹ cháu cho mọi người biết”.

 

Ngay hôm đó tôi hẹn gặp cậu sinh viên ấy tại một quán trà. Với giọng nói ấm áp, ánh mắt tự hào, cậu bắt đầu kể:

Mẹ cháu là một người con gái xinh đẹp của vùng quê lúa Thái Bình. Học xong phổ thông, mẹ cháu thi vào đại học sư phạm nhưng không đỗ, nên theo một người chú họ vào Lâm Đồng làm rẫy trồng cà phê. Trong một lần giao lưu với một đơn vị bộ đội, có một “chú bộ đội” đã bị hút hồn bởi sắc đẹp và giọng hát chèo ngọt ngào của mẹ cháu. Gia đình chú ấy ở Sài Gòn, kinh tế khá giả. Vậy mà sau khi ra quân, chú ấy thường xuyên lặn lội lên cao nguyên cà phê thăm mẹ cháu. Lần nào lên, chú ấy cũng mang theo nào xà phòng, dầu gội đầu, áo quần và cả… mì tôm cho mẹ cháu. Luôn mang trong lòng mặc cảm là cô gái xứ Bắc, vào làm thuê, không xứng đáng với người con trai thành phố, nên mẹ cháu đã từ chối lời tỏ tình của chú ấy. Nhưng sự kiên trì đi lại, sự quan tâm thực lòng và tình yêu chân thành của chú ấy đã làm trái tim mẹ cháu rung động. Mãi hai năm sau, vào mùa thu năm 1990, mẹ cháu mới chính thức nhận lời tỏ tình của chú ấy. Họ làm đám cưới vào dịp sát Tết. Chú ấy chính là bố cháu bây giờ.

Sợ mẹ cháu không quen sống ở thành phố ồn ào, bố cháu đã ở lại Lâm Đồng cùng mẹ cháu, mặc cho ông bà nội mắng mỏ, cho rằng bố cháu dại dột, ăn phải “bùa mê thuốc lú” của cô gái Bắc Kỳ. Cháu ra đời là kết tinh của mối tình nồng cháy giữa chàng trai đất Sài Thành với cô gái miền quê “Chị Hai năm tấn”. Hai năm sau, em gái cháu ra đời trong niềm vui khôn tả của gia đình. Nhưng bất hạnh thay, khi em gái cháu mới được hai tháng tuổi, mẹ cháu bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường. Bố cháu thường kể rằng: “Sau mấy ngày bị sốt, má các con xọp hẳn xuống rồi chuyển dần teo cơ, các khớp cứng hết. Ba gửi các con sang hàng xóm và bắt xe đò về thành phố đi tìm mua thuốc cho má. Có hôm ba phải đi buổi tối, bởi ban ngày còn bận việc nương rẫy và trông nom hai con. Có hôm ba giờ sáng ba về đến Sài Gòn nhưng không dám về nhà ông bà nội, sợ ông bà thấy ba vất vả sẽ xót thương. Ba cứ lang thang ở bến xe, rồi đi bộ đến khắp nơi tìm mua thuốc cho má các con. Ngày đó nhà nghèo, thuốc men cũng khó kiếm chứ không như bây giờ, nên ba phải nhờ những người quen giới thiệu đến các nhà thuốc đông y để mua thuốc cho má. Xong việc, ba ra bến xe, về nhà ngay, sợ các con không thấy ba sẽ khóc, má con muốn đi vệ sinh không có ai đỡ dậy”.

Tuy ba cháu hết lòng lo lắng, thuốc thang cho mẹ cháu như vậy, song bệnh của mẹ cháu không thuyên giảm là mấy. Mẹ cháu ngày càng gầy xọp, rồi nằm liệt một chỗ từ đó đến nay, đã hai mươi năm rồi.

 

Vợ mắc bệnh, hai con còn nhỏ, ba cháu đã nghĩ đủ cách kiếm thêm  tiền để có đồng ra đồng vào. Cuối cùng ông quyết định biến mảnh vườn khô cằn của mình thành vườn cây ăn quả với đủ loại ổi, na, táo, hồng xiêm… Ngày ngày, ông dậy từ sáng sớm đưa hoa quả ra chợ cho các hàng quán. Vườn cây đem lại cho gia đình cháu cuộc sống đầy đủ hơn, chúng cháu được ăn học đến nơi đến chốn. Mẹ cháu cũng bớt đi nỗi lo thuốc thang mỗi khi trái gió trở trời. Là con trai, từ nhỏ đã chứng kiến sự tận tình của ba cháu đối với mẹ cháu, cháu rất cảm động và tự hào về ba. Nhiều hôm cháu đã khóc thầm khi nhìn thấy ba cháu cặm cụi nhặt từng mớ rau, quả xoài đem ra chợ bán lúc trời còn chạng vạng. Hôm nào ba cháu cũng vào phòng trong, xem chắc chắn mẹ cháu có đang ngủ ngon không, ba cháu mới an tâm đạp xe đi. Có lần phát hiện mẹ cháu đang khóc, ông đã bỏ buổi chợ ngồi nhìn mẹ cháu và khóc theo. Cháu đã nghe trộm ba nói với mẹ: “Anh thương lắm, nhưng các con còn nhỏ, đang đi học, đừng làm gì để chúng biết, chúng buồn, ảnh hưởng tới học hành”. Rồi ba vừa bón cháo cho mẹ, vừa nựng nịu: “Phải chiến đấu em ạ, em chiến đấu với bệnh tật, còn anh chiến đấu với đời thường”. Tất cả công việc từ đánh răng, rửa mặt đến tắm giặt và vệ sinh của mẹ cháu đều một tay ba cháu làm cả. Sau này, cháu có nói ba để chúng con phụ giúp, ba đồng ý, nên ba cũng đỡ vất vả hơn. Có đêm ngồi học bài khuya, cháu còn nghe thấy ba cháu nói với mẹ: “Hạnh phúc lớn nhất của đời anh là được yêu em, lấy em làm vợ. Em đã sinh cho anh hai đứa con xinh đẹp như em, ngoan ngoãn, chăm chỉ như anh. Anh hy vọng chúng sẽ đỗ đại học, có cuộc sống tương lai đỡ vất vả. Anh còn khỏe là còn chăm lo cho em, em đừng nghĩ ngợi gì nhé!”.

Nhưng điều làm cháu khâm phục, kính trọng và tự hào về ba cháu hơn cả là sự hy sinh nhu cầu riêng tư của ba. Trước hôm đỗ đại học, cháu dọn dẹp đồ trong nhà, tình cờ phát hiện cuốn nhật ký của ba. Ba viết những trang gần nhất như sau: “Vậy là đã 20 năm mình sống cuộc đời “chay tịnh”. Không phải không có lúc mình phải vật lộn với những khát khao đàn ông trỗi dậy trong lòng, nhưng mình đã phải tìm một việc gì đó làm để “đè bẹp” con thú nhỏ đang hành hạ mình. Mình đã hứa thủy chung, gìn giữ cho vợ, thì cố gắng sống cho trọn lời hứa. Những năm trước, nhiều cô gái trẻ thương mình, sẵn sàng chia sẻ nỗi buồn mà không đòi hỏi bất cứ sự ràng buộc nào mà mình còn cưỡng lại được, huống chi bây giờ sắp năm mươi tuổi rồi. Nhiều lần “bà xã” có nói cho mình “đi thoải mái” đỡ thiệt thòi. Nói vậy, nhưng mình thấy bà ấy khóc, nên mình không nỡ làm bà ấy buồn. Số phận đã gắn buộc bà ấy với mình, mình sẽ sống trọn đời vì bà ấy, vì tình yêu và vì duyên trời định…”.

Khi “cậu bé” kể song câu chuyện về người cha của mình với niềm tự hào, xúc động, tôi hỏi: “Dự định tương lai của cháu thế nào?”, cậu nói ngay: “Cháu ra Hà Nội học ngành y cũng là mong sau này về quê làm việc. Cháu chỉ có mong ước chữa được cho nhiều người mắc bệnh như mẹ cháu khỏi bệnh, để những người chồng không vất vả như ba cháu. Cháu cũng muốn sau này được sống bên ba, đỡ đần ba để ba được hưởng tuổi già hạnh phúc bên con cháu”.

Tôi không được gặp người cha của chàng sinh viên nọ, nhưng tôi muốn chúc mừng ông, bởi chàng trai ngồi trước mặt tôi có lẽ là bản sao của chính ông: Thông minh, kiên định, nhạy cảm, biết sống có trách nhiệm và sống vì người khác. Câu nói “phúc đức tại mẫu” trong hoàn cảnh gia đình ông, có lẽ phải đổi thành “cha phúc đức sinh con nhân từ” mới đúng!

Đinh Đoàn – Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 64 (tháng 4/2015)