Mẹ và con gái

Mẹ và con gái

(GDTĐ) – Tại sao mỗi khi đi xa về, các cô gái lại thích sà vào lòng mẹ để được mẹ vuốt ve, âu yếm? Tại sao khi có chuyện buồn hay mắc lỗi lầm nào đó, người con gái thường tâm sự với mẹ, chứ không phải với cha? Vì sao tiễn con gái lên xe hoa về nhà chồng, người mẹ lại rơi nước mắt? Lý do gì mà trong cơn “vượt cạn”, các cô gái thường mong có “bà ngoại” ở bên cạnh mình. Có phải mối quan hệ giữa mẹ và con gái là một mối quan hệ rất đặc biệt?

Gắn bó và chở che

Khi được hỏi: “Bạn nghĩ như thế nào về mối quan hệ giữa mẹ và con gái?”, bạn Thu Thảo, sinh viên năm thứ 3, Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội tâm sự: “Có người giải thích cụm từ “con gái rượu” là xuất phát từ việc nếu gia đình có con gái, sau này đi lấy chồng, người ta phải mang rượu đến biếu bố mẹ vợ. Có người cho rằng gọi là “con gái rượu” là do nếu có con gái  thì chỉ mười, mười hai tuổi là con gái đã có thể đi mua … rượu cho bố. Nhưng em cho rằng, nếu chỉ vì những lợi ích nho nhỏ như thế chắc chắn người Việt Nam không đến nỗi tốn công nghĩ ra câu thành ngữ “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Em nghĩ mối quan hệ giữa mẹ và con gái càng ngày càng nồng, càng say như một thứ rượu càng để lâu càng … ngon. Càng lớn em càng hiểu mẹ hơn, thương mẹ hơn”.

Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Trả lời câu hỏi: “Tại sao có những chuyện vui, chuyện buồn bạn lại hay tâm sự với mẹ, mà không nói với bố”, bạn Phùng Thị M. H, học sinh lớp 11, trường THPT Hoàng Cầu, Đống Đa nói rằng: “Em nghĩ bố cũng rất tốt và yêu thương các con. Nhưng trong gia đình, bố thường nghiêm khắc và tượng trưng cho uy quyền, còn mẹ tượng trưng cho tình yêu thương. Tâm sự với mẹ được mẹ bình tĩnh lắng nghe, thông cảm. Nếu có chuyện lỗi lầm, mẹ cùng tháo gỡ. Có khi những chuyện lỗi lầm của con được hai mẹ con giấu kín, hoặc mẹ có nói với bố thì cũng đã nhẹ tội đi rồi. Nói chung mẹ thường tha thứ nhiều hơn…”.

Sự gần gũi lâu bền hơn cũng là một lý do khiến mối quan hệ mẹ và con gái trở nên đặc biệt. Bà Phạm Thị Nguyệt, phố Đào Tấn, Ba Đình cho rằng: Nuôi con gái dễ hơn, con gái ngoan ngoãn hơn con trai. Đặc biệt con gái gắn bó với mẹ lâu dài hơn. Con trai chỉ lớn một chút là ngại gần mẹ. Còn con gái, lúc nào cũng như người bạn của mẹ.

Con gái là bạn tâm tình

Mối quan hệ đặc biệt giữa mẹ và cô con gái có ý nghĩa đặc biệt với cả hai phía không chỉ vì cha mẹ được cậy nhờ công nọ việc kia. Cao hơn hết, con gái là người bạn tâm tình của cha mẹ. Tình cảm của con gái dành cho mẹ sâu sắc, chan chứa, ý nhị hơn con trai. Mẹ ốm, nằm viện mà có cô con gái ngồi trông ở đầu giường thì thấy lòng ấm áp.

Có người mẹ vì hoàn cảnh gia đình bất hòa, cô đơn, đã ôm cô con gái mà tâm sự “Mẹ khổ quá con ơi. Mẹ không còn biết tâm sự với ai nữa. Biết rằng nói với con thì con cũng buồn, song mẹ chỉ có con là người bạn thôi”. Sau những lời tâm tình ấy, bao giờ người mẹ cũng được an ủi bằng những lời lẽ giúp mẹ nhẹ lòng.

Theo TS. Tâm lý học Nguyễn Thị Mùi: “Mẹ và con gái thông cảm, thương nhau hơn bởi họ đều là phụ nữ. Trong xã hội xưa, thân phận người con gái vất vả và thua thiệt lắm. Khi ở nhà với bố mẹ thì vất vả việc nhà. Khi đi lấy chồng thì lo toan gánh vác việc nhà chồng. Con gái mười hai bến nước, biết bến nào đục, bến nào trong. Hạnh phúc hay bất hạnh phụ thuộc rất nhiều vào cuộc hôn nhân và gia đình nhà chồng. Đã vậy phụ nữ còn mang nặng đẻ đau. Mỗi lần vượt cạn là một lần vất vả… Những điều đó chỉ có cùng là phụ nữ với nhau mới hiểu hết được. Người cùng cảnh ngộ dễ hiểu nhau, dễ thương nhau hơn”.

Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Tâm sự về người mẹ của mình, chị Thu Hường, giảng viên trường Đại học KTQD cho biết: “Bây giờ có cuộc sống khấm khá, em chỉ mong bù đắp cho mẹ em càng nhiều càng tốt. Mẹ em vất vả quá. Cả đời hy sinh cho chồng con. Cả đời không đi đâu xa, không biết miếng ngon vật lạ là gì. Bố em dù sao cũng có thời gian đi công tác, đỡ khổ hơn. Cho đến bây giờ, già rồi mà mẹ em vẫn làm đủ thứ việc, từ đồng áng đến việc nhà. Cứ nghĩ đến mẹ là em thương lắm. Bao nhiêu lần em mời mẹ ra thành phố sống với con cháu, mẹ em không chịu và nói mẹ khổ quen rồi! Mỗi lần em về thăm, bao giờ mẹ cũng nấu canh chuối cho em ăn. Chỉ có mẹ mới nhớ sở thích từ thuở ngày xưa của em thôi!”.

Như vậy, chúng ta đã phần nào hiểu được ý nghĩa của cụm từ “con gái rượu”. Đó là người con nghĩa tình, nồng hậu, ấm áp như chất men rượu kia.

Tuy nhiên không phải cứ có con gái là tự nhiên trở thành “gái rượu”. Để cô con gái trở thành thứ men say cho đời, mẹ cha phải kì công giáo dưỡng, dắt dìu, bảo ban từ những ngày thơ bé. Đó đây còn những ông bố bà mẹ còn lạm dụng sự chịu thương chịu khó, đức nhường nhịn, hy sinh của các cô con gái. Khi nhà neo người thì người phải bỏ học đầu tiên để phụ giúp bố mẹ lại chính là các cô con gái. Công to việc lớn trong nhà đều dồn lên đầu các em gái. Vậy mà có may bộ quần áo lành thì lại phải nhường em trai. Em trai hư, người bị mắng nhiều khi lại chính là các cô chị gái bởi lẽ  không biết nhường nhịn em. Một người mẹ trẻ không lo toan cho cha mẹ già, đối xử với cha mẹ như người ăn kẻ ở, khi ốm đau không chăm sóc mà còn mặt nặng mày nhẹ cho rằng cha mẹ là “gánh nặng”, chỉ mong “thoát nợ ngày nào hay ngày ấy” thì không thể hy vọng con mình ngày sau sẽ đối xử tử tế với mình.

Đinh Đoàn (Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 75, tháng 3/2016)