Ngôn ngữ thứ hai giúp ngăn ngừa chứng mất trí nhớ

Ngôn ngữ thứ hai giúp ngăn ngừa chứng mất trí nhớ

(GDTĐ) – Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng ngôn ngữ thứ hai nên là một yêu cầu bắt buộc cho bất kỳ loại hình văn bằng nào vì song ngữ có thể bảo vệ não bộ của con người trong cuộc sống sau này. Một chuyên gia ngôn ngữ tuyên bố, các trường đại học nên quy định sinh viên học một ngoại ngữ thứ hai như là một phần trong văn bằng của họ giúp mở mang kiến thức và ngăn ngừa chứng mất trí nhớ khi về già.

Giáo sư Antonella Sorace, nhà sáng lập Trung tâm các vấn đề song ngữ tại Đại học Edinburgh cho biết, hiện đã có bằng chứng tốt cho thấy song ngữ có thể bảo vệ não bộ trong cuộc sống sau này. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các loại bệnh mất trí nhớ sẽ xuất hiện chậm hơn tới 5 năm ở những người nói ngôn ngthứ hai so với những người chỉ nói một ngôn ngữ.

Giáo sư Sorace nói, bà muốn trẻ em học các ngôn ngữ từ khi lên 5 tuổi cho tới khi chúng tốt nghiệp đại học. Tại một hội nghị thường niên của Hiệp hội Mỹ vì sự Tiến bộ của Khoa học, bà nhấn mạnh: “Ngoại ngữ nên là một yêu cầu bắt buộc trong chương trình học cho dù mọi người đang học văn học, ngôn ngữ hiện đại hoặc các môn khoa học”.

Ảnh minh họa

Bà nói thêm: “Song ngữ giúp mở mang trí tuệ theo nhiều cách khác nhau. Do đó, kiến thức về ngôn ngữ có thể có lợi ích bất kể bạn học ngành gì. Nó sẽ rất có lợi đối với bạn khi bạn còn trẻ và dĩ nhiên cho suốt cuộc đời của bạn. Bạn hiểu thêm về các nền văn hóa khác, có cơ hội đi du lịch và nói chuyện với người nước ngoài. Đó chính là ở khía cạnh mở rộng tầm hiểu biết, tầm nhìn của bạn của ngôn ngữ thứ hai”.

Giáo sư Sorace, người nói tiếng Italia, Anh, Pháp và hiểu được tiếng Tây Ban Nha và Sardinia cho biết, ngay cả các khóa học ngôn ngữ ngắn hạn cũng có thể cải thiện chức năng não bộ và tránh suy giảm trí nhớ trong cuộc sống sau này. Mới đây, bà đã tiến hành một nghiên cứu ở những người nghỉ hưu tham gia một khóa học ngôn ngữ chuyên sâu ở Gaelic trên đảo Skype. Bà cho biết: “Họ không biết một tiếng Gaelic nào, do đó chúng tôi đã kiểm tra họ trước và sau một tuần của khóa học chuyên sâu, 5 tiếng/ngày, chúng tôi so sánh họ với những người nghỉ hưu chủ động khác, những người đã tham gia một khóa học về những thứ khác nữa, chứ không phải với những người không tham gia gì cả, chúng tôi nhận thấy, ở những người đã tham gia khóa học ngôn ngữ, não bộ có những phản ứng tích cực ngay cả khi họ đã 60, 70 tuổi. Khóa học ngôn ngữ chuyên sâu kéo dài một tuần đã tạo ra sự cải thiện đáng kể về chức năng nhận thức.

Hiện ở Anh có 850.000 người đang chịu đựng chứng mất trí nhớ nhưng một số nghiên cứu đã cho thấy khoảng 30% trong số đó có thể ngăn ngừa bằng cách thay đổi lối sống.

Giáo sư chuyên gia về chứng mất trí nhớ Carole Brayne của Đại học Cambridge cho rằng, giáo dục xuất hiện để bảo vệ con người chống lại sự phát triển của chứng mất trí nhớ. Một nền giáo dục kém là một trong 7 tác nhân nguy cơ làm gia tăng sự tiến triển chứng mất trí nhớ như của bệnh Alzheimer bên cạnh hút thuốc lá, huyết áp cao, thiếu tập thể dục, tiểu đường, trầm cảm và béo phì. Bà nói: “Chúng ta cần sự đầu tư và cơ cấu xã hội để giúp đỡ mọi người có cuộc sống khỏe mạnh. Nếu chúng ta có thể giải quyết tất cả 7 tác nhân nguy cơ này, chúng ta có thể giảm tỷ lệ mắc bệnh mất trí nhớ khoảng 30%”.

Mất trí nhớ là gì?

Mất trí nhớ là một thuật ngữ rộng dùng để mô tả những rối loạn thoái hóa khác nhau gây ra sự mất dần chức năng của não: tư duy, ghi nhớ và suy luận.

– Bệnh này có giống như Alzheimer?

Alzheimer là một dạng phổ biến của chứng mất trí nhớ, chiếm khoảng 62% tất cả các trường hợp được chẩn đoán.

– Đối tượng nào dễ mắc chứng mất trí nhớ?

Ở hầu hết mọi người, các triệu chứng đầu tiên xuất hiện vào độ tuổi khoảng 65.

– Bệnh này có cách chữa không?

Bệnh tiến triển và hiện không thể chữa được, mặc dù có những phương pháp điều trị để giảm các triệu chứng.

– Nguyên nhân gây bệnh?

Các nguyên nhân vẫn chưa được hiểu hoàn toàn. Các nhà khoa học tin rằng di truyền, lối sống và môi trường là nguyên nhân gây nên chứng mất trí nhớ.

Thắng Trần (dịch từ Teleghraph)- (Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 76, tháng 4/2016)