Hương tóc mạ non

Hương tóc mạ non

(GDTĐ) – “Mạ non Bầm cấy mấy đon
Ruột gan Bầm lại thương con mấy lần”

Ảnh minh họa

Có lẽ mỗi người con xa xứ khi đọc được câu thơ này của nhà thơ Tố Hữu đều nao nao nhớ về quê hương nơi có những mầm xanh của mạ non như hương tóc mẹ, tóc em.

Quê tôi ở vùng Trung du, nơi đồi cọ rừng chè, không có những thửa mạ xanh bát ngát như ở đồng bằng. Nhìn những thửa mạ quê tôi nằm dải theo các vùng đồi, trên những mảnh ruộng bậc thang thấy đẹp như một bức tranh thêu hoành tráng, mộng mơ tuyệt vời.

Tôi còn nhớ ngày xưa, hôm nào mẹ vác cày ra đồng là con trâu thong dong đi trước, xung quanh mẹ đàn sáo đen, cánh có đôi chấm trắng, mỏ đỏ, mỏ vàng chấp chới xà xuống lưng trâu, nhảy nhót theo sau luống cầy của mẹ để bắt những con sâu béo ngậy. Cánh đồng cạn phía trên, cánh đồng sâu phía dưới, tiếng “vặt”, “diệt” điều khiển con trâu đi cày, đi bừa của mẹ, của bà con vang vọng vào tận chân núi nghe như tiếng gọi mùa về. Chỉ mấy hôm sau, thửa ruộng của mẹ đã phẳng lì. Chiều đến, khi hoàng hôn dần xuống sau dãy núi, mẹ bưng cái thúng chứa đầy hạt mầm ra ruộng.

Tay mẹ vung lên như người nghệ sĩ hát chèo vừa dẻo, vừa xinh, trông như một vũ điệu tuyệt tác mà chỉ có ở mẹ của tôi mỗi lần gieo mạ. Tôi hỏi mẹ: “Sao lại gieo mạ vào buổi chiều?”. Mẹ bảo: “Thóc vừa ủ ra mầm, buổi chiều nắng hạ nhiệt, rễ mạ non ngấm dần vào đất mát và chờ đêm về bám chặt lấy mầu mỡ để mai đón bình minh vươn lên khỏe khoắn…”.

Một tuần sau, thửa ruộng bỗng xanh rì, mơn man và mát dịu. Màu xanh của mạ non không giống màu cỏ, khác màu lá cây… Màu xanh ấy tươi nguyên, thơ ngây, dịu dàng, chất chứa niềm tin và hy vọng. Mùi mạ non gợi nhớ mùi hương tóc em và mối tình quê với biết bao kỷ niệm. Nhắc lại thấy lòng nao nao. Còn tìm đâu ngày xưa yêu dấu từ hương tóc mạ non. Ðường về quê, thoáng cơn gió chiều. Nhớ mùi hương tóc em hay mùi mạ non vừa được mẹ cắm xuống đồng để trở thành cây lúa non xanh. Lòng chợt buồn mênh mông. Mạ non tê tái vì cơn gió mùa Đông Bắc tràn về bất chợt, cơn mưa đầu hạ ập xuống bất ngờ…

Chiều hè nghiêng nắng đổ, miền quê phù sa bát ngát, chiều quê thơm mãi hương tóc mạ non.

 

Mai Lệ Huyền, Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 65+66 (tháng 5,6/2015)