Truyền nhân của Tổ nghề làm lồng chim nức tiếng kinh kỳ

Truyền nhân của Tổ nghề làm lồng chim nức tiếng kinh kỳ

(GDTĐ) – “Chim quý phải ở lồng son”, theo các đại gia chơi chim, được ở trong “ngôi nhà” đẹp, chim cũng khôn hơn, tiếng chim hót sẽ vui, ngọt hơn. Các đại gia chơi chim cảnh chẳng sợ tốn kém khi sắm cho chú chim cưng của mình những chiếc lồng tre được trạm trổ công phu với những cái giá ngất ngưởng. Mỗi lần đặt hàng, họ lại tìm tới nhà nghệ nhân Nguyễn Thanh Sứ – truyền nhân của tổ nghề làm lồng chim nức tiếng kinh kỳ.

Người đưa nghề lồng chim về làng

Nghệ nhân Nguyễn Thanh Sứ (sinh năm 1959), làng Vác, thôn Canh Hoạch, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội vốn là đời thứ 3 trong gia đình 4 đời có nghề làm lồng chim.

 

Nghệ nhân Sứ cho biết, Tổ nghề ở làng này chính là ông nội của ông. Cụ tên là Ba Mi. Cách đây hơn 100 năm về trước, cụ Ba Mi là thương gia hay sang Trung Quốc buôn bán. Ở đó, cụ thấy người ta bán rất nhiều lồng chim rất đẹp với chất liệu bằng tre. Thấy hay hay, cụ hỏi cách làm và mang một cái lồng chim về làng. Sẵn tre, cụ mầy mò làm theo. Sau hơn một tháng, chiếc lồng chim đầu tiên được hoàn thành. Vừa làm xong, người hàng xóm sang nhà hỏi mua. “Thừa thắng, xông lên”, cụ làm ra nhiều lồng mang ra tỉnh bán. Từ đó, các con cháu của cụ đều theo làm nghề này.

Dần dà, dân làng học theo. Từ làng chuyên làm quạt giấy, dân Vác dần “đổ bộ” sang làm lồng chim. Hàng trăm hộ làm lồng. Nhà nào nhà nấy cũng thấy dăm ba chục chiếc lồng xếp đầy sân. Nghề đan lồng chim đã trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân nơi này.

Giữa ngổn ngang những tre, gỗ, máy móc bụi bặm, ông Sứ miệt mài với những động tác nhẹ nhàng, nâng niu từng thanh gỗ, vành tre. Nghệ nhân Sứ bồi hồi nhớ lại kỷ niệm cách đây mấy chục năm. Khi gia đình được vinh dự nhận đơn hàng làm gần chục lồng chim theo lời yêu cầu của ông Vũ Kỳ, thư kí của Bác Hồ, để treo tại nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, cậu bé Sứ cùng các anh em hào hứng phụ ông nội, giúp bố vót tre. Thời ấy, cả gia đình vui như hội. Mỗi người một việc, làm hăng say mong sớm hoàn thiện những chiếc lồng đặc biệt ấy.

Để lồng chim đáp ứng được ba tiêu chí bền, sang, đẹp, người nghệ nhân phải rất tỉ mỉ, kỳ công. Hoàn thành một chiếc lồng chim phải trải qua khá nhiều công đoạn như vót nan làm đáy, làm vanh (vành), cửa, cầu, trang trí trên vanh, ráp lồng…

Nguyên liệu chủ yếu để làm lồng chim là tre, trúc. Đế của lồng chủ yếu làm bằng gỗ thị, mít, trắc, mun. Những cây tre, trúc già sau khi ngâm nước sẽ được đem phơi khô để làm nan lồng chim. Với giống tre già làm ra chiếc lồng càng lau càng bóng, đẹp. Lồng mua về gắn bó với chủ nhân tới vài chục năm mà không hề bị mối mọt, hư hỏng.

Nghệ nhân Sứ cho biết, làm lồng chim đầu tiên phải chuẩn về công đoạn vót nan. Vót nan trăm cái đều như một. Người sành chơi chim có cách nhận biết lồng tốt, lồng đạt tiêu chuẩn. Mới đầu là ngắm từ xa, sau đó họ đưa lại gần, xoay chiếc lồng để xem các nan lồng đối xứng có thẳng nhau hay không.

Việc chạm đường viền cho các vanh lồng cũng đòi hỏi công phu. Trên vanh lồng chạm khắc tinh xảo vô số những họa tiết rất nhỏ như: một bài thơ chữ Hán, hình long, ly, quy, phượng; cây hình cỏ, hoa lá… Chỉ bằng một lưỡi dao rất nhỏ cùng với đôi tay tài hoa, người thợ có thể chạm khắc nên những chiếc vanh lồng đẹp như tranh vẽ.  Người thợ làm lồng chim phải có kiến thức nhất định về hình dáng và tập tính sinh hoạt của từng loài chim như: chào mào, chích chòe, khuyên, mái, yến, mi.

Lồng chim có đủ hình dạng và kích cỡ, từ lồng tròn, vuông, hình tháp, vòm, lục lăng… Giá thành cũng dao động nhiều mức. Nghệ nhân Sứ cho hay, trước đây, dân làng chỉ làm lồng chim đơn giản với giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng thôi…

 

Hàng trăm triệu đồng cho chiếc lồng son

Cuộc sống hiện đại, thú chơi chim ngày càng phát triển. Lồng chim ngày nay so với hơn chục năm trước đã khác nhau khá nhiều. Thực tế, không ít đại gia sở hữu nhiều loại chim quý như: hoàng khuyên giá 65- 70 triệu đồng hay chim chào mào bạch tạng, chào mào đầu trắng, chào mào lông màu tro… có giá lên đến hàng trăm triệu đồng.

 

“Chim quý phải ở lồng son”. Theo các đại gia chơi chim, lồng đẹp, nuôi chim khôn hơn, tiếng hót vui và ngọt hơn. Các đại gia chơi chim cảnh chẳng sợ tốn kém khi sắm cho chú chim cưng của mình những chiếc lồng tre được trạm trổ công phu với những cái giá ngất ngưởng.

“Có cung, ắt có cầu”- dân làng Vác bắt đầu học làm những lồng chim tinh xảo. Chạm khắc khó, đòi hỏi kỹ thuật cao. Ông Sứ là người đi tiên phong tạo ra những lồng chim “độc”.

Lồng chim có giá vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng đều chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo hình minh họa các tích xưa như Ngũ Long tranh châu, Thập bát La Hán, Bát tiên quần thú, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, tùng cúc trúc mai; hoặc dựa theo các bức tranh cổ Đông Hồ như đám cưới chuột, cá chép trông trăng, Tôn Ngộ Không, vinh quy bái tổ. Công phu nhất là loại lồng Bát tiên, mỗi chân lồng đều được chạm khắc 8 vị tiên, tổng cộng 3 chân lồng là 24 vị. Họa tiết trong bức tranh rất nhiều, đòi hỏi người nghệ nhân phải khéo léo, tỉ mỉ đến từng chi tiết mới có thể cho ra đời sản phẩm sống động, tinh tế.

Lồng chim còn được ông trang trí thêm rất nhiều chi tiết bằng chất liệu quý như ngà voi chạm thành cầu cho chim đứng, chân lồng được dát vàng mỏng. Những chiếc lồng đắt tiền nhất thường được làm bằng ngà voi, các nan lồng làm bằng đồi mồi, gỗ sưa đỏ có giá từ 500 đến 800 triệu đồng. Ông Sứ từng gây ngạc nhiên đặc biệt cho người xem khi lồng chim có chiếc móc treo cách điệu theo dáng chim phượng mềm mại, uyển chuyển, đôi cánh có thể ve vẩy được.

Chỉ tay vào chiếc lồng gỗ sưa đỏ, nghệ nhân Sứ cho biêt ông đang hoàn thiện nốt phần đế chạm khắc. Với chiếc lồng cầu kỳ họa tiết lại dát vàng mỏng vào móc đồng, chạm thành cầu bằng ngà voi “tiêu hao” khoảng 80 ngày công của ông. Người đặt chiếc lồng “độc” này là một đại gia kinh doanh kim hoàn có tiếng ở Hà Nội. Nhà ông này có nhiều loại chim quý, sở hữu nhiều lồng có giá từ vài chục triệu tới hàng trăm triệu đồng. Trong khi các đại gia thay ô tô như thay áo, ông này ngược lại. Đại gia đi ô tô cà tàng nhưng lại có lồng chim thuộc hạng “khủng” trong giới chơi chim Hà thành.

Theo nghệ nhân Sứ, lồng chim đắt khách theo mùa. Mùa hè, nhiều người có thú chơi chim mua lồng đông hơn mùa lạnh. 3 tháng hè, ông huy động hàng chục thợ làm lồng.

Những lồng chim của ông cũng được “chu du” khắp các tỉnh miền Nam như: TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cà Mau, Đà Lạt… và xuất khẩu ra nước ngoài như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Anh…

Theo ông, người nước ngoài thường trả giá cao. Chán những gì làm từ máy móc, họ trân trọng sức lao động của những nghệ nhân thủ công. Toàn bộ nguyên liệu để làm lồng chim được những người thợ ở đây xử lý tự nhiên, không dùng hoá chất. Chính sự công phu này mà lồng chim của ông ăn đứt nơi khác.

Nghệ nhân Sứ nhẹ nhàng khoan lỗ vanh bằng chiếc khoan cổ của Tổ nghề- cụ Ba Mi để lại. Vật dụng ấy là kỷ vật thiêng liêng của gia đình ông và cũng là của những người dân làng nghề lồng chim.

Nghệ nhân Sứ bồi hồi nhớ lại kỷ niệm cách đây mấy chục năm. Khi gia đình được vinh dự nhận đơn hàng làm gần chục lồng chim theo lời yêu cầu của ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ, để treo tại nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, cậu bé Sứ cùng các anh em hào hứng phụ ông nội, giúp bố vót tre. Thời ấy, cả gia đình vui như hội. Mỗi người một việc, làm hăng say mong sớm hoàn thiện những chiếc lồng đặc biệt ấy.

Hoàng Khang – Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 62+63 (tháng 2-3/2015)