Độc đáo lễ hội thổi cơm thi làng Thị Cấm

Độc đáo lễ hội thổi cơm thi làng Thị Cấm

(GDTĐ) – Đầu xuân mới, dân làng Hương Canh (nay là làng Thị Cấm) thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội lại náo nức trong lễ hội cổ xưa mang nét độc đáo của văn hóa truyền thống, đó là lễ hội thổi cơm thi và hội rước Thành Hoàng làng được đông đảo bà con trong vùng và khách thập phương đến tham dự.

Theo truyền thuyết xa xưa, vào đời vua Hùng Vương thứ 18, tướng quân Phan Tây Nhạc là bộ tướng của Tản Viên Sơn đời vua Hùng Duệ Vương được lệnh thống lĩnh quân sĩ đi dẹp giặc Thục. Trên đường hành quân qua làng quê Hương Canh của mình, tướng quân Phan Tây Nhạc cùng quân lính đã được dân làng đón tiếp trọng thị. Bà Hoa Dung công chúa là phu nhân của Nhạc tướng cùng dân làng muốn được đi theo đoàn quân để lo toan việc hậu cần. Trước nhiệt tình yêu nước của dân làng, Nhạc tướng quân đồng ý và ra lệnh tổ chức một cuộc thi nấu cơm để tuyển chọn những người giỏi giang trong việc bếp núc phục vụ quân binh. Điều thú vị trong việc lựa chọn tài năng nấu cơm từ người làng Thị Cấm là bà Hoa Dung không dùng gạo của kho quân lương mà truyền cho những đội thi tài mang thóc làng ra giã thành gạo, kéo giang tre cùng bùi nhùi để tạo thành lửa, còn nước nấu cơm thì được lấy từ dòng sông Nhuệ – dòng sông quê hương ngọt ngào, trong mát. Kết quả, cuộc đua tài mang ý tưởng tuyệt vời của bà Hoa Dung công chúa đã tuyển chọn được một đội quân hậu cần nhiệt huyết, trách nhiệm để phục vụ quân sĩ và cao đẹp hơn khi việc làm trên đã khởi nguồn cho con cháu làng Thị Cấm sau này tổ chức lễ hội “Trò chiềng” nấu cơm thi mỗi độ Tết đến Xuân về để tưởng nhớ công ơn những người đã đánh giặc giữ nước đem lại cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc cho dân làng.

 

Mỗi mùa xuân đến, đình làng, nơi tổ chức lễ hội lại được trang trí băng rôn, cờ hoa nhiều màu sắc, với những chậu hoa cây cảnh. Sự có mặt của các em học sinh tiểu học trường làng trong tiếng trống vang lừng càng làm cho không khí lễ hội thêm sôi động. Lễ hội được bắt đầu bằng lễ dâng hương, cúng tế vật phẩm để tạ ơn các vị thần linh, tạ ơn Thần Hoàng làng đã đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho cả dân làng. Trong khói hương nghi ngút và tiếng nhạc lễ vang lừng, các cụ già xếp thành hai hàng, khăn áo chỉnh tề bái lễ với sự điều hành của người chủ tế càng làm cho không khí của buổi lễ hội thêm nghiêm trang, thành kính.

 

Sau các nghi thức long trọng của phần lễ, phần hội mở đầu bằng cuộc thi thổi cơm được tổ chức tại sân đình Thị Cấm. Trong tiếng trống rộn ràng, sự cổ vũ nhiệt tình của dân làng và khách thập phương, bốn đội thổi cơm thi với đồng phục khác nhau, mỗi đội 10 người gồm cả nam và nữ đại diện cho 4 giáp của làng: Đoài Nhất, Đoài Nhì, Giáp Trung và Giáp Đông đã sẵn sàng cho cuộc đua tài. Các đội rất nhanh nhẹn, nhịp nhàng khi bắt tay vào công việc: Một người chuyên lấy nước từ giếng đình làng trong vắt bằng chiếc bình đồng nhỏ đem về đổ vào chậu để vo gạo nấu cơm; Hai người kéo lửa bằng cách tạo ra ma sát từ nhùi rơm nếp chà với ống giang; Bốn người giã thóc thành gạo; Một người dần sàng cho sạch trấu cám và hai người phụ trách thổi cơm. Công đoạn cuối cùng là thổi cơm rất quan trọng. Cơm được nấu trong niêu đồng cổ và được đun bằng rơm nếp vàng ươm, sạch sẽ sao cho cơm chín tới, dẻo thơm để xới ra bát cúng thần linh sau đó Ban giám khảo mới được nếm và chấm giải. Tham dự lễ hội, từ người dân trong làng cho đến du khách ai cũng tràn đầy hứng khởi khi được thưởng thức nét đẹp văn hóa truyền thống vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa giầu giá trị hiện thực, giá trị nhân văn khi đề cao vai trò của nông nghiệp, ca ngợi tài năng khéo léo, đảm đang trong công việc nội trợ, bếp núc của người phụ nữ Việt Nam.

Trần Cự – Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 62+63 (tháng 2-3/2015)