Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và giảng dạy

Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và giảng dạy

(GDTĐ) – Ngày nay, CNTT đã trở thành một phương tiện hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lí cũng như giảng dạy của ngành GD&ĐT, nhận thức được điều đó thầy giáo Nguyễn Văn Binh, trường Tiểu học Thượng Vực, huyện Chương Mỹ đã tìm tòi, nghiên cứu viết SKKN “Một số kinh nghiệm ứng dụng CNTT vào công tác quản lý và giảng dạy ở trường tiểu học”. Sáng kiến đã đoạt giải C cấp Thành phố.

Ứng dụng CNTT vào công tác quản lý và dạy học có hiệu quả là một công việc lâu dài, khó khăn đòi hỏi rất nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên. Do đó, để đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào quản lý và dạy học cần phải có những định hướng và giải pháp cụ thể.

 

Đối với nhà trường:

Công tác chỉ đạo:

Ngay từ đầu năm học, nhà trường cần bám sát các chỉ thị, nghị định của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của ngành để xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT vào công tác quản lí và giảng dạy của đơn vị mình. Triển khai sâu rộng đến các tổ khối và toàn thể CBGV- NV để họ nắm bắt được kế hoạch, trên cơ sở đó mỗi tổ khối, mỗi cá nhân sẽ có kế hoạch riêng của mình trong năm học. Ngoài ra, nhà trường cần làm tốt công tác giám sát, kiểm tra việc ứng dụng CNTT của đơn vị mình theo từng giai đoạn, từng học kì để có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Cơ sở vật chất:

Nhà trường có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất, huy động nguồn lực của xã hội để tăng cường đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị dạy học theo hướng hiện đại đáp ứng nhu cầu dạy học. Củng cố, nâng cấp hệ thống máy tính đang sử dụng; Nghiên cứu, lắp đặt hệ thống mạng không dây, Wifi nội bộ của nhà trường để phục vụ cho công tác quản lí, giảng dạy được thuận lợi, thông suốt và ổn định; Khuyến khích CBGV – NV sử dụng các trang thiết bị cá nhân (máy tính xách tay, máy ảnh…) khi cơ sở vật chất của nhà trường chưa đảm bảo; Có kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng hệ thống trang thiết bị thiết yếu thường xuyên sử dụng như: hệ thống máy tính làm việc, máy chiếu đa năng. Duy trì và thường xuyên cập nhật phần mềm diệt vi rút có bản quyền để đảm bảo hệ thống máy tính hoạt động ổn định và nâng cao tính bảo mật.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng:

Tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực CNTT, khuyến khích, hỗ trợ CBGV – NV tham gia học tập; Cử CBGV tham gia đầy đủ tất cả các chuyên đề, khoá học bồi dưỡng hàng năm do ngành tổ chức. Sau đó về triển khai tới các tổ, khối và 100% CBGV – NV trong nhà trường; Chủ động lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về CNTT cho một số cán bộ giáo viên cốt cán của nhà trường để quản lí cũng như giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện; Thường xuyên hoặc định kì tổ chức chuyên đề về ứng dụng CNTT vào công tác quản lí và giảng dạy theo từng đối tượng để họ luôn được trau dồi kiến thức và kỹ năng CNTT trong quá trình ứng dụng.

Xây dựng kho học liệu về CNTT trong nhà trường:

Khuyến khích các tổ và cá nhân trong việc sáng tạo các sản phẩm CNTT phục vụ cho quản lý và giảng dạy, soạn giáo án điện tử, khai thác tư liệu, trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm dạy học thông qua các diễn đàn giáo dục, các chuyên đề dạy học của ngành, của cụm hoặc của nhà trường; Xây dựng nguồn học liệu mở, giáo án điện tử, ngân hàng đề kiểm tra theo từng bộ môn.

Khai thác hệ thống wesite, hòm thư điện tử của ngành, của nhà trường:

Duy trì và phát huy vai trò, tính hiệu quả, tính cập nhật của hệ thống website, hòm thư điện tử của nhà trường để thực hiện việc chia sẻ thông tin, quản lí chuyên môn, sổ liên lạc điện tử với phụ huynh học sinh. Thiết lập một hệ thống nhắn tin nội bộ của nhà trường tới tất cả CBGV-NV phục vụ cho công tác quản lí. Mỗi một cá nhân đều phải đăng kí và sử dụng một hòm thư điện tử của mình nhằm mục đích chia sẻ, trao đổi, cập nhật, lưu trữ thông tin từ xa; Thường xuyên khai thác, cập nhật những thông tin cần thiết, quan trọng có liên quan đến công tác quản lí, giảng dạy của nhà trường, những thành tựu CNTT mới, những sáng kiến kinh nghiệm của đồng nghiệp để mọi người có thể tham khảo và chọn lọc áp dụng vào vị trí, vai trò và nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả nhất.

Khai thác, sử dụng có hiệu quả những phần mềm của ngành:

Khai thác, sử dụng các phần mềm theo quy định của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội, Phòng GD&ĐT huyện trong việc quản lý và dạy học, thường xuyên cập nhật, lưu trữ thông tin đầy đủ, chính xác như phần mềm quản lí nhân sự PMIS; hệ thống quản lí chất lượng giáo dục trực tuyến EQMS; hệ thống thông tin giáo dục Eschool, hệ thống thông tin phổ cập giáo dục – chống mù chữ ESCI…

Đối với giáo viên:

Giáo viên là người thực hiện công việc ứng dụng CNTT vào công tác giảng dạy, là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục của nhà trường. Chính vì vậy, để việc ứng dụng CNTT của mỗi giáo viên vào công tác giảng dạy có hiệu quả, người giáo viên cần thực hiện một số công việc sau:

Có kế hoạch chủ động, tích cực tham gia các lớp, khóa học bồi dưỡng về CNTT, kiến thức cơ bản hay nâng cao về tin học do ngành hay nhà trường tổ chức để có thể tự chủ trong việc soạn, giảng các bài giảng điện tử hoặc bài giảng e-learning cũng như sử dụng các trang thiết bị phục vụ cho việc ứng dụng CNTT một cách thành thục như: máy tính, máy chiếu đa năng, máy chiếu vật thể, máy quay phim, chụp ảnh và một số thiết bị về âm thanh, ánh sáng.

Thường xuyên cập nhật thông tin để nắm bắt được những chỉ đạo chung của ngành, của nhà trường từ đó chủ động trong công tác giảng dạy cũng như những công việc khác được nhà trường phân công. Tham gia các lớp học trực tuyến, các diễn đàn để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về công tác giảng dạy nói chung và công tác ứng dụng CNTT nói riêng.

 

Mỗi thầy, cô giáo cần chủ động xây dựng cho mình các bài giảng điện tử, bài giảng e-learning để làm thay đổi cách dạy – cách học của cả thầy và trò, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Chủ động xây dựng “Kho học liệu cá nhân”. Việc tự xây dựng cho mình một “Kho học liệu cá nhân” là rất quan trọng, bởi lẽ “Kho học liệu cá nhân” giống như một tủ sách của mỗi người để khi cần đến thông tin nào, dữ liệu nào, những kinh nghiệm gì… các thầy, cô giáo vào “Kho học liệu cá nhân” của mình là có thể sử dụng được.

Đối với nhân viên:

Đội ngũ nhân viên mặc dù không phải là người trực tiếp đứng lớp như giáo viên nhưng họ cũng tham gia một số công việc có liên quan đến ứng dụng CNTT vào công tác quản lí và giảng dạy của nhà trường như: công tác tài chính, quản lí thiết bị, thư viện… Vì vậy, để có thể hoàn thành tốt công việc được giao, mỗi nhân viên cần:

Trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoài ra cần phải có sự hiểu biết căn bản về tin học và kỹ năng về CNTT để có thể ứng dụng một cách có hiệu quả vào vị trí công việc mình phụ trách.

Những thành tựu, kiến thức về CNTT thay đổi liên tục theo thời gian nên để không bị thụ động, mỗi nhân viên đều phải có kế hoạch tham gia các lớp học, khoá học nâng cao trình độ chuyên môn cũng như trình độ nhất định về tin học và kỹ năng thực hành CNTT.

Sau thời gian thực hiện SKKN, việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lí trong nhà trường đã có những bước chuyển biến rõ rệt, như: công tác cập nhật, xử lí thông tin hai chiều giữa nhà trường và cấp trên được thường xuyên, kịp thời; việc sử dụng các phần mềm theo quy định của ngành khoa học, chính xác, đảm bảo thời gian quy định… Số bài giảng điện tử của giáo viên đã tăng lên cả về số lượng và chất lượng; giáo viên chủ động trong việc sử dụng các trang thiết bị. Đặc biệt, giáo viên đã biết thiết kế những bài giảng e-learning trong từng bộ môn của mình.

Trên đây là một số nét chính của đề tài “Một số kinh nghiệm ứng dụng CNTT vào công tác quản lý và giảng dạy ở trường tiểu học” của thầy giáo Nguyễn Văn Binh – trường Tiểu học Thượng Vực. Mọi chi tiết xin truy cập vào website:http://khohoclieu.hanoiedu.vn.

BBT – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 105, tháng 10/2018