Tư duy phê phán trong dạy học tiếng Anh

Tư duy phê phán trong dạy học tiếng Anh

(GDTĐ) – Ngày nay, tư duy phê phán hay tư duy phản biện (critical thinking) đã trở thành một thuật ngữ được các nhà giáo dục chú ý không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam. Đặc biệt, trong thời kỳ giáo dục Việt Nam tập trung đổi mới phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm, hướng tới phát triển tính chủ động sáng tạo, phát triển kỹ năng cho người học, tư duy phê phán đề cao khả năng phân tích, tổng hợp, phán đoán, đánh giá và tư duy phản biện của con người.

ảnh minh họa, nguồn: internet

Xã hội hiện nay đòi hỏi nguồn nhân lực không chỉ có kiến thức mà phải vận dụng sáng tạo kiến thức vào thực tế công việc, những con người có năng lực, kỹ năng làm việc hiệu quả trong những điều kiện khác nhau. Do vậy, quá trình học tập không thể chỉ dừng lại ở mức tái hiện kiến thức mà cần nâng hiệu quả học tập lên các bậc cao hơn. Các kỹ năng tư duy phê phán giúp người học giải quyết vấn đề trong các tình huống mới, đưa ra những liên hệ, những bao quát, kết hợp thông tin kiến thức dưới những dạng thức mới, đưa ra những đánh giá và phán đoán dựa trên bằng chứng và những tiêu chuẩn đã định. Căn cứ vào thang tư duy của Benjamin Bloom (1956) các nhà khoa học đã phát triển bộ các kỹ năng tư duy giúp người học phát triển tư duy phê phán 5 bậc từ bậc thấp đến bậc cao như sau:

1. Hiểu (Understanding): Người học đơn giản hiểu những gì mình đang đọc, nhìn thấy hay nghe. Hơn nữa có thể biết phần ngôn ngữ đó thường xuất hiện ở đâu …

2. Áp dụng (Applying): Sau khi hiểu, người học lấy thông tin đó và áp dụng hoàn thành các bài tập với những thông tin người học đã hiểu.

3. Phân tích (Analysing): Giai đoạn phân tích là lúc người học đặt câu hỏi về cách trình bày thông tin của tác giả. Ví dụ, người học có thể đã tìm thấy thông tin trong văn bản để làm các bài tập hiểu ở phần áp dụng nhưng phải tìm được minh chứng cho các câu trả lời. Thường thì nhiệm vụ liên quan đến việc xác định cách thức hoặc các quan điểm mà ngôn bản được xây dựng. Nói cách khác, người học đang tìm hiểu sâu hơn về ngôn bản, chứ không chấp nhận hiểu nó dựa trên nghĩa biểu hiện qua ngôn từ.

4. Đánh giá (Evaluating): Đánh giá là một trong những kỹ năng tư duy phê phán bậc cao quan trọng. Đây là giai đoạn mà người học không tập trung vào lập luận và quan điểm của tác giả ngôn bản mà bắt đầu đánh giá tính hợp lí và chính xác của thông tin đưa ra. Giai đoạn này người học đánh giá ngôn bản xem có bao nhiêu phần trăm thông tin được minh chứng, bao nhiêu phần là ý kiến của tác giả, sự hợp lí và chính xác của ngôn bản. Đây là giai đoạn phức tạp vì nó đòi hỏi kỹ năng ngôn ngữ bậc cao.

5. Sáng tạo (Creating): Sau khi nghiên cứu một chủ đề qua tìm hiểu một số ngôn bản, người học cần phải áp dụng kiến ​​thức mới và tạo ra một cái gì đó của riêng mình. Ví dụ, viết một bài tiểu luận thể hiện ý kiến ​​riêng của bản thân sử dụng những minh chứng họ đã tìm hiểu được.

Với năm bậc phát triển tư duy phê phán, người giáo viên có thể áp dụng vào bài dạy một cách linh hoạt phù hợp với đối tượng, trình độ của học sinh trong từng trường hợp cụ thể để đạt được hiệu quả dạy học, giúp học sinh ghi nhớ, sử dụng được ngôn ngữ đã học và không bị áp lực của việc học.

Một số hoạt động phát triển tư duy phê phán mà hầu hết các giáo viên giảng dạy tiếng Anh sử dụng trên lớp như:

Dạy và học từ tiếng Anh: Trong hầu hết các hoạt động dạy từ mới, giáo viên dạy cho người học từ mới trên ba phương diện: theo hình thức, ý nghĩa và cách sử dụng từ vựng. Dạy học theo tư duy phê phán cũng bao gồm các phần này và người học nên biết từ đã học trong mối liên hệ với một hoặc các từ nào đó liên quan. Ví dụ:  giáo viên dạy cho sinh viên bộ từ vựng sau đây về các phương tiện giao thông như: bicycle, airplane, rocket, cruise ship, taxi, sailboat, hot air balloon, subway train, bus, skateboard. Sau khi sinh viên đã có những kiến thức cơ bản về hình thức, phát âm, nghĩa và cách dùng, giáo viên có thể tổ chức hoạt động sau:

Chia lớp thành 4 nhóm, yêu cầu trong nhóm, sinh viên liệt kê các từ chỉ phương tiện từ chậm nhất đến nhanh nhất. Sau đó yêu cầu sinh viên nhóm này thảo luận với sinh viên nhóm khác về liệt kê.

Hoạt động này có vẻ như đơn giản nhưng nó đòi hỏi sinh viên ngoài việc học từ tiếng Anh phải suy nghĩ logic và phê phán để đưa ra quyết định thứ tự của phương tiện. Sinh viên có thể cho rằng skateboard là chậm nhất, nhưng khó quyết định hơn giữa bicycle và sailboard, cái nào nhanh hơn còn phụ thuộc vào tốc độ gió, cũng như vậy sailboard có cùng tốc độ với hot air balloon không vì chúng cùng di chuyển phụ thuộc vào gió. Như vậy taxi có nhanh hơn subway train không? Đôi khi taxi phải đỗ một số trạm chuyển giao…

Mục đích của hoạt động này không phải để tìm ra bảng liệt kê thứ tự về tốc độ đúng mà để người học suy nghĩ sâu hơn về các từ được học, mỗi từ giới thiệu cái gì, nó đóng vai trò vị trí thế nào trong cả hệ thống phương tiện giao thông. Làm như vậy, sinh viên phải sử dụng tất cả những kỹ năng ngôn ngữ để diễn đạt, bài học không chỉ dừng ở việc nhớ từ mà trải nghiệm sử dụng từ trong mối quan hệ với các từ khác.

Tư duy phê phán giúp người học giải quyết vấn đề trong các tình huống mới

Đặt câu hỏi: Đôi khi một câu hỏi mà học sinh trả lời dễ dàng chưa đủ để thể hiện hiệu quả của quá trình dạy học. Làm cho người học phải suy nghĩ về cách họ trả lời câu hỏi mà họ đã trả lời sẽ thách thức họ suy nghĩ nghiêm túc, giúp họ sử dụng ngôn ngữ nhiều hơn và sử dụng nó theo cách thực tế cần. Ví dụ, trong một hoạt động để sử dụng thì tương lai đơn giản, giáo viên có thể hỏi người học những gì họ sẽ làm trong năm năm tới. Một người có thể trả lời rằng bạn ấy sẽ trở thành một ngôi sao điện ảnh. Giáo viên có thể đặt câu hỏi như sau để khiến bạn đó suy nghĩ kỹ hơn: Điều gì làm bạn nghĩ vậy? Bằng chứng nào thể hiện trong cuộc sống của bạn bây giờ sẽ làm cho điều đó đúng? Bằng cách đặt những câu hỏi này, giáo viên thách thức người học suy nghĩ về suy nghĩ của mình. Đồng thời, tạo cơ hội cho người học sử dụng tiếng Anh để thể hiện ý tưởng của mình.

Khuyến khích thêm: Đối với người học tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai, đưa ra một câu trả lời nhanh chóng thường là mục tiêu cần đạt. Một câu trả lời nhanh cho thấy người học có thể sử dụng ngôn ngữ. Tuy nhiên, một câu trả lời nhanh thường không thúc đẩy tư duy phê phán. Sử dụng các cụm từ để người học nói (và suy nghĩ) nhiều hơn sẽ giúp họ sử dụng tư duy sâu sắc hơn. Giáo viên có thể nói với người học: Nói cho tôi biết thêm về điều đó. Bạn có suy nghĩ gì khác không? Tại sao lại tốt / xấu / đáng sợ / khó khăn / hay không? Phần nào thú vị nhất với bạn? Tại sao? Những câu hỏi này sẽ khích lệ người học phát triển tư duy và nói nhiều hơn.

Như vậy học tiếng Anh không chỉ đơn thuần là sự bắt chước, học thuộc lòng như một số người vẫn nghĩ. Người giáo viên cần áp dụng các bậc phát triển tư duy phê phán vào trong dạy học để giúp người học thay đổi quan điểm, thay đổi cách học để phát triển tốt hơn và hiệu quả hơn trong học tập.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Th.s Lê Tấn Huỳnh Cẩm Giang (2011).  Tư duy phản biện – Critical Thingking. Viện Nghiên cứu Giáo dục.

2. Hughes, J. (204). Critical Thinking in the Language Classroom.

3. Verner, S. 8 critical thinking Activities for ESL students. Busy Teache.

Nguyễn Thị Hảo – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 103, tháng 8/2018