Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ mẫu giáo

Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ mẫu giáo

(GDTĐ) – Trong số này, Tạp chí GDTĐ xin giới thiệu sáng kiến kinh nghiệm của cô giáo Trần Thị Kim Thôi – trường Mầm non Sơn Đông, thị xã Sơn Tây đoạt giải B cấp ngành với đề tài “Một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi ở trường Mầm non”.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, trẻ em đã được chăm sóc tốt hơn. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều yếu tố ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển thể chất của trẻ như chất lượng môi trường sống, nhất là chế độ dinh dưỡng không phù hợp dẫn đến tình trạng béo phì ở trẻ ngày càng gia tăng. Vì vậy, tìm hiểu cách tổ chức các hình thức giáo dục thể chất để từ đó tìm ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thể chất cho trẻ là một việc làm rất quan trọng.

 

Tìm hiểu đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi:

Để có những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ, giáo viên cần tìm hiểu về tâm sinh lý của trẻ để nắm được phần nào sự phát triển của trẻ, từ đó có kế hoạch chăm sóc, giáo dục trẻ có hiệu quả nhất.

Về kỹ năng vận động của trẻ 4-5 tuổi: Một trong những nguyên nhân khiến trẻ có vẻ như tiến bộ hơn nhiều so với những năm trước đó là khả năng kiểm soát và phối hợp đôi tay. Trẻ có thể cầm bút viết giống như cách của người lớn. Kĩ năng vận động tinh của trẻ giờ đây bao gồm cả việc sử dụng tốt cách cầm thìa, tự mặc quần áo và rửa tay sạch sau mỗi lần đi vệ sinh.

Dựa trên kế hoạch năm học của nhà trường và nội dung chương trình theo độ tuổi của trẻ, giáo viên căn cứ vào mức độ phát triển, khả năng thực tế điều kiện của lớp để xây dựng nội dung các vận động cho trẻ tập luyện, xác định độ khó của từng bài tập, sắp xếp theo trình tự và đưa vào chương trình một cách phù hợp.

Chuẩn bị điều kiện và đảm bảo an toàn cho hoạt động phát triển vận động:

Tham mưu về điều kiện, cơ sở vật chất:

Để hoạt động giáo dục phát triển vận động đạt hiệu quả cao, giáo viên cần tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường đề ra kế hoạch đầu tư mua sắm trang thiết bị, dụng cụ thể dục, xây dựng khu thể chất, góc vận động đảm bảo yêu cầu từng độ tuổi của trẻ. Mặt khác tham mưu với nhà trường làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục kêu gọi Ban đại diện cha mẹ học sinh ủng hộ đầu tư mua sắm và xây dựng khu thể chất ngoài trời cho trẻ tham gia vui chơi, tập luyện.

Xây dựng môi trường cho trẻ hoạt động, vui chơi:

Giáo viên cần xây dựng góc vận động cho lớp bằng những hình ảnh về trò chơi vận động, trò chơi dân gian để tăng sự hiểu biết cho trẻ.

Ngoài ra giáo viên cùng trẻ làm các đồ dùng, đồ chơi như: vòng hoa, quả còn, cột cho trẻ chơi ném còn… Từ đó giúp trẻ phát triển các vận động tinh như: cắt dán, cầm nắm, vẽ, tô màu…

Bên cạnh đó cũng cần tổ chức cho trẻ tham gia lao động ngoài trời như chăm sóc cây, tưới cây… giúp trẻ phát triển và nắm được các kiến thức kĩ năng theo yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non.

Dụng cụ, đồ dùng tập luyện:

Sử dụng đồ dùng trực quan là một biện pháp rất quan trọng trong hoạt động giáo dục phát triển vận động đối với trẻ. Có đồ dùng trực quan đẹp, hấp dẫn đa dạng phong phú làm cho hoạt động thêm sinh động hấp dẫn khiến trẻ hứng thú hơn. Ví dụ: Khi tổ chức cho trẻ tập thể dục buổi sáng giáo viên nên thay đổi đồ dùng, dụng cụ hỗ trợ trẻ tập theo chủ đề: khi thì sử dụng xúc xắc cầm tay, khi thì gậy, quả bông, nơ, cờ, hoa…

 

Tổ chức tốt giờ ăn nhằm nâng cao thể lực cho trẻ:

Để thực hiện tốt mục tiêu của hoạt động phát triển vận động, giáo viên cần lồng ghép giáo dục dinh dưỡng vào giờ ăn cho trẻ, rèn luyện cho trẻ có thói quen vệ sinh trong ăn uống như: Khi ăn không nói chuyện, không đùa nghịch; rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh…

Qua việc tổ chức tốt giờ ăn cho trẻ, trẻ ăn ngon, đủ chất cơ thể khỏe mạnh, việc trẻ tham gia vào hoạt động phát triển vận động sẽ đạt hiệu quả tốt hơn.

Lồng ghép tích hợp một số nội dung khác vào trong hoạt động giáo dục phát triển vận động:

Lồng ghép âm nhạc:

Hoạt động giáo dục phát triển vận động khi có âm nhạc, đặc biệt là các bài hát vui nhộn sẽ khiến trẻ thấy hứng thú hơn.

Đối với mỗi chủ điểm nên sử dụng các bài hát phù hợp với nội dung của từng bài dạy, trẻ làm động tác theo nội dung của bài hát đi nhẹ nhàng thả lỏng cơ thể.

Lồng ghép các hội thi:

Dựa vào mục đích của chương trình giáo dục mầm non, giáo viên có thể áp dụng liên kết xây dựng các hội thi vào các hoạt động giáo dục thể chất để mọi trẻ đều được tham gia tích cực vào các hội thi đó.

Ví dụ khi dạy trẻ chủ đề “Tết và mùa xuân”, có thể tổ chức cho trẻ tham gia hội thi: “Ngày hội vui xuân”…

Với các nội dung xuyên suốt trong hội thi trẻ sẽ tích cực tham gia hoạt động. Bên cạnh đó giáo viên cũng chọn lựa các nội dung giáo dục cho trẻ biết về truyền thống, phong tục, tập quán của quê hương đất nước, con người Việt Nam.

Lồng ghép thơ, truyện, đồng dao, ca dao, trò chơi dân gian:

Thực tế hiện nay tổ chức hoạt động giáo dục thể chất cho trẻ mầm non đặc biệt là trẻ mẫu giáo nhỡ không chỉ là phát triển vận động mà còn giúp trẻ phát triển về lĩnh vực ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật. Với mỗi đề tài, giáo viên cần tìm hiểu nghiên cứu kĩ trước khi dạy để xây dựng bài theo chủ đề một câu chuyện để kích thích trẻ sự tò mò hấp dẫn trẻ hoạt động được tốt hơn.

Ngoài các câu chuyện, giáo viên có thể áp dụng các bài ca dao, đồng dao, đồng thời kết hợp với đọc thơ cho trẻ chơi vận động nhịp nhàng và thi đua cùng các bạn.

Lồng ghép kỹ năng tự phục vụ trong hoạt động giáo dục phát triển vận động:

Trong khi hoạt động ở góc vận động cũng như tham gia các hoạt động giáo dục phát triển vận động trẻ luôn hứng thú vào hoạt động một cách thoải mái không gò bó nên cũng góp phần rèn luyện, nâng cao các kỹ năng tự phục vụ bản thân, kỹ năng sống cho trẻ ở mọi lúc mọi nơi.

Ví dụ: Khi cho trẻ chơi ở góc vận động: trẻ biết lấy đồ dùng, cất đồ dùng đúng nơi quy định.

Khi ra sân tập luyện trẻ biết lấy và tự đi giày dép, đội mũ, mang giúp cô những đồ dùng, đồ chơi vừa sức trẻ.

 

Lồng ghép tích hợp nội dung giáo dục phát triển vận động vào các hoạt động khác.

Hoạt động ngoài trời:

Khi đi dạo tham quan ngoài trời trẻ được tiếp xúc với thiên nhiên, trẻ sẽ quan tâm đến thiên nhiên, phát triển khả năng quan sát, ghi nhớ. Ngoài việc dạo chơi, giáo viên có thể tổ chức cho trẻ chơi một số trò như: Kéo co, nhảy bao bố, cướp cờ… nhằm rèn luyện tính dẻo dai cho trẻ và các trò chơi tĩnh như: Cờ lúa ngô, ô ăn quan… những trò chơi cũng như các hoạt động nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện hơn về thể chất.

Hoạt động giao lưu:

Khi đến trường không phải trẻ nào cũng thích tham gia các hoạt động tập thể, vẫn có một số trẻ nhút nhát, lười vận động vì thế giáo viên có thể cho trẻ giao lưu cùng các bạn lớp khác, khối khác với các trò chơi như: Chạy tiếp sức, Thi ném trúng đích, Thi kẹp bóng… để trẻ mạnh dạn, tự tin hơn.

Phối kết hợp với phụ huynh học sinh:

Trong các buổi họp phụ huynh học sinh, giáo viên cần tuyên truyền cho phụ huynh nắm rõ về tầm quan trọng của việc giáo dục phát triển vận động đối với trẻ và sự cần thiết trong việc trang bị cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động học, ăn, ngủ, vui chơi của trẻ. Tuyên truyền vận động phụ huynh học sinh ủng hộ mua xốp chải nền, bạt chải nền khi ăn để không bị rơi rớt thức ăn xuống nền nhà, phản ngủ, chiếu trúc hai mặt: một mặt ấm về mùa đông, một mặt mát về mùa hè để tạo giấc ngủ ngon cho trẻ đảm bảo sức khỏe cho trẻ học tập thật tốt.

Qua thực tế áp dụng các biện pháp trong việc nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ mẫu giáo nhỡ 4-5 tuổi, trẻ nhanh nhẹn, khéo léo, hứng thú tự nguyện tham gia hoạt động giáo dục phát triển vận động, những trẻ nhút nhát lười vận động đã tích cực tập luyện hơn.

Trên đây là một số nét chính của đề tài “Một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi ở trường Mầm non” của cô giáo Trần Thị Kim Thôi – trường Mầm non Sơn Đông, thị xã Sơn Tây. Mọi chi tiết xin truy cập vào website:http://khohoclieu.hannoiedu.vn.

BBT – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 87, tháng 3/2017