Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục tại trường Tiểu học

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục tại trường Tiểu học

(GDTĐ) – Thực tế công tác xã hội hóa giáo dục (XHHGD) của nhà trường đã được thể hiện rõ nét vào sáng kiến kinh nghiệm “Biện pháp thực hiện đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục tại trường Tiểu học Nghĩa Tân” của cô giáo Lê Thị Thanh Thủy – Hiệu trưởng nhà trường. SKKN đã được xếp loại B cấp Thành phố.

Trong những năm qua, trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy tiếp tục có những phát triển bền vững với số lượng học sinh ngày càng tăng, chất lượng giáo dục ngày càng toàn diện. Tuy nhiên một số điều kiện cơ sở vật chất của trường còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời cho việc giảng dạy và chăm sóc học sinh. Để đáp ứng nhu cầu đó, ngoài việc sử dụng nguồn ngân sách, nhà trường đã huy động sự đóng góp của phụ huynh học sinh, sự chung tay của xã hội.

Cameara phòng hiệu trưởng

Dưới đây là những biện pháp mà nhà trường đã thực hiện nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục.

* Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nghiên cứu lý luận, nâng cao nhận thức về công tác xã hội hóa

         Để làm tốt công tác XHHGD cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về xã hội hóa giáo dục. Trong nhà trường, tham gia vào công tác xã hội hóa giáo dục là các tổ chức, các cán bộ, giáo viên, nhân viên. Vì vậy, để làm tốt công tác xã hội hóa, nhà trường phổ biến tới cán bộ, giáo, nhân viên một số văn bản như: Nghị quyết số 90/CP ngày 21/8/1997- CP “Về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa”; Nghị định số 73/1999/NĐ-CP, Thông tư số 29 của BGD&ĐT “Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”; Văn bản hướng dẫn số 8568 SGD&ĐT-KHTC “Về việc hướng dẫn tạm thời thực hiện các khoản thu khác ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục công lập” giúp CBGV-NV hiểu được các nội dung về công tác xã hội hóa đồng thời giáo viên nhận thức sâu sắc hơn các vấn đề sau:

+ Mục đích của công tác XHHGD:

Xã hội hoá giáo dục để xây dựng cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với việc tạo lập và cải thiện môi trường kinh tế, xã hội lành mạnh và thuận lợi cho các hoạt động giáo dục của nhà trường. Công tác này cũng góp phần mở rộng các nguồn đầu tư, khai thác tiềm năng về nhân lực, vật lực và tài lực trong xã hội. Phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhân dân, tạo điều kiện cho các hoạt động giáo dục phát triển nhanh hơn, có chất lượng cao hơn. Đây là chính sách lâu dài, là phương châm thực hiện chính sách xã hội của Đảng và nhà nước bởi vì giáo dục là sự nghiệp lâu dài của toàn xã hội. Sự nghiệp giáo dục sẽ không ngừng phát triển mạnh mẽ với nguồn lực to lớn của toàn dân. Thực hiện XHHGD cũng chính là huy động cộng đồng cùng tham gia xây dựng và phát triển giáo dục.

+ Nguyên tắc tiến hành công tác xã hội hoá giáo dục:

Nguyên tắc về lợi ích hai chiều: Mỗi hoạt động hợp tác, phối hợp đều phải xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của hai phía: Nhà trường và cộng đồng. Cần quán triệt nguyên tắc lợi ích 2 chiều trong việc triển khai các biện pháp cụ thể phải đảm bảo rằng kết quả của việc xã hội hóa giáo dục không chỉ mang lại lợi ích cho giáo dục, cho nhà trường mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho những người tham gia, cho cộng đồng, cho địa phương thì biện pháp đó mới khả thi và có sức sống.

Nguyên tắc tình cảm, tự nguyện hay nguyên tắc “đồng thuận”: Nguyên tắc này coi trọng việc làm sao để người được huy động chia sẻ đồng tâm, nhất trí, tự nguyện và đồng thuận với chủ trương xã hội hóa của nhà trường, không được áp đặt hoặc ép buộc.

Nguyên tắc về chức năng nhiệm vụ: Để khai thác, phát huy khuyến khích các lực lượng xã hội, các tổ chức tham gia vào một hoạt động nào đó phải phát hiện và nhằm đúng chức năng, trách nhiệm của đối tác để thực hiện một cách hợp lý, hiệu quả kế hoạch của nhà trường.

Nguyên tắc dân chủ: Tạo môi trường công khai, dân chủ cho mọi tầng lớp của cộng đồng hiểu giáo dục hơn, hiểu nhà trường hơn, có điều kiện để “Biết, bàn, làm, kiểm tra” các hoạt động, tạo điều kiện cho mối quan hệ nhà trường – gia đình – xã hội phát triển toàn diện và mang lại hiệu quả thiết thực.

Nguyên tắc phù hợp, thích ứng hay nguyên tắc “mềm dẻo”: Phải biết chọn lựa thời gian thích hợp nhất để đưa ra chủ trương xã hội hóa giáo dục, cần cân nhắc huy động thế nào cho hợp lý.

Nguyên tắc kết hợp ngành – lãnh thổ: Chủ trương huy động cộng đồng và xã hội hoá triển khai trong thực tế rất cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa địa phương và ngành giáo dục.

+ Các thành phần tham gia công tác XHHGD:

– Chi bộ Đảng, Công đoàn, BGH, Chính quyền phường, Ban đại diện cha mẹ học sinh, cha mẹ học sinh, gia đình học sinh và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn.

+ Nội dung của công tác XHHGD trong nhà trường:

– Xây dựng mối quan hệ với các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương – nơi trường đóng.

– Xây dựng mối quan hệ với Ban đại diện cha mẹ học sinh, gia đình và học sinh.

+ Hình thức và phương tiện để tiến hành công tác XHHGD:

Công tác XHHGD có thể được tiến hành dưới nhiều hình thức như: Đầu tư bằng vật chất cho nhà trường dưới các dạng khác nhau; Đóng góp bằng công sức lao động, dịch vụ và chuyên môn trong việc xây dựng, phát triển các hoạt động giáo dục của nhà trường.

Phương tiện tiến hành công tác XHHGD: Tận dụng vai trò của các tổ chức như Hội đồng nhân dân phường, Hội đồng giáo dục và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, của lớp.

       * Phát huy sức mạnh của cá nhân đóng góp vào công tác giáo dục

Nêu cao vai trò của giáo viên:

        Mọi hoạt động XHHGD đều liên quan đến người giáo viên. Khi giáo viên làm tốt chức trách của mình sẽ là nguồn lực cơ bản khích lệ sự nhiệt tình của các lực lượng xã hội, đặc biệt là của các bậc phụ huynh.

       Giáo viên nhất là giáo viên chủ nhiệm phải có năng lực vận động quần chúng, tổ chức quần chúng thành lực lượng thực hiện tích cực. Giáo viên cần chú ý những việc như: Nâng cao nhận thức, sự tự giác của quần chúng bằng mọi hình thức tuyên truyền; Đảm bảo hiệu quả công việc, không hình thức chủ nghĩa cá nhân, đem lại lợi ích thiết thực.

* Phát huy sức mạnh của PHHS:

Phụ huynh là nhân tố tích cực tham gia vào công tác XHHGD. Vì vậy, nhà trường cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau: Nắm vững lý lịch của PHHS; Xây dựng kế hoạch; Huy động sự giúp đỡ của các bậc phụ huynh; Phát huy khả năng và lòng nhiệt tình của PHHS…

Ví dụ: Khi nhà trường cần sửa chữa, nâng cấp một hạng mục công trình của trường, ngoài ý kiến của thi công, nhà trường đều lấy ý kiến góp ý, tư vấn của PHHS có chuyên môn. Qua thực tế, PHHS đưa ra những ý kiến rất hay giúp nhà trường có những quyết định đúng đắn.

Phụ huynh giúp đỡ nhà trường về việc tư vấn sức khỏe cho giáo viên và học sinh:

 Hàng năm, nhà trường thường tiến hành kiểm tra sức khỏe cho giáo viên và học sinh. Sau khi có kết quả kiểm tra bao giờ nhà trường cũng đưa kết quả nhờ Ban chăm sóc sức khỏe của trường tư vấn. Trong quá trình quản lý học sinh tại trường, có những vấn đề bất thường về sức khỏe học sinh, nhà trường cũng có thể nghe tư vấn của các bác sĩ là PHHS để có hướng giải quyết.

       Phụ huynh giúp đỡ nhà trường trang bị một số điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy học và chăm sóc học sinh

Vì cơ sở vật chất của nhà trường còn hạn chế, một số điều kiện cho việc phục vụ cho học tập và chăm sóc học sinh còn thiếu, do đó nhà trường đã động viên phụ huynh học sinh ủng hộ nhà trường. Một nguyên tắc đặt ra là đảm bảo tính đồng thuận, sự tự nguyện, công khai minh bạch, ban đại diện của lớp, của trường đứng ra giúp đỡ.

 Phụ huynh giúp nhà trường bồi dưỡng các câu lạc bộ, tổ chức và  tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường

          Ngoài việc học tập chính khóa, nhà trường còn tổ chức nhiều câu lạc bộ để học sinh lựa chọn tham gia. Với CLB cờ vua, cờ tướng nhà trường đã mời phụ huynh học sinh giúp đỡ. Nhờ đó, năm nào CLB cờ vua, cờ tướng của nhà trường đều đạt giải cao và luôn dẫn đầu Quận. Đặc biệt hàng năm, vào tháng 10, phụ huynh học sinh đã giúp nhà trường tổ chức giải cờ mang tên “Trí tuệ trẻ Thủ đô”, thu hút được nhiều học sinh tham gia, qua cuộc thi nhà trường đã lựa chọn được đội tuyển. Phong trào văn nghệ của trường cũng luôn được các bậc phụ huynh quan tâm giúp đỡ. Ngoài ra, phụ huynh còn tạo cơ hội cho con em mình giao lưu với các loại hình nghệ thuật dân gian. Những dịp tết Trung Thu, phụ huynh đã mời đoàn múa Lân về biểu diễn cho học sinh…

Phụ huynh lắp tivi ở sảnh đợi cho học sinh

    * Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội đóng góp vào sự nghiệp giáo dục

       + Với chính quyền địa phương:

        Việc tạo dựng mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương để tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ là một việc làm rất quan trọng, vì vậy nhà trường đã tích cực tham gia các công việc với UBND phường; Hàng năm khi tổ chức những kì cuộc lớn nhà trường thường mời lãnh đạo phường, đại diện các ban ngành đoàn thể, đại diện PHHS tới dự để họ tận mắt chứng kiến các hoạt động của trường, thấy được cách tổ chức của trường, nề nếp, khả năng của học sinh…

         + Với các cơ quan và các đơn vị đóng trên địa bàn

          Hàng năm vào dịp đầu tháng 8, nhà trường thường tổ chức buổi giao lưu để đón học sinh lớp 1. Tất cả các món quà mà nhà trường trao tặng cho học sinh lớp 1 đều do các công ty tài trợ. Ngoài ra, nhà trường còn luôn được Học viện Quân sự, Học viện Quốc phòng giúp đỡ về phương tiện đưa học sinh đi tham gia các cuộc thi, nhận được ủng hộ sách truyện, kinh phí may trang phục biểu diễn cho học sinh…

          + Liên kết với các tổ chức nước ngoài

Liên kết với các tổ chức mời tình nguyện viên nước ngoài về dạy ngoại ngữ cho học sinh. Ở trường Tiểu học Nghĩa Tân, 2 môn tự chọn các con được học là môn Tiếng Anh và Tin học. Để giúp học sinh học tốt môn ngoại ngữ nhà trường đã liên kết phối hợp với 2 tổ chức: Tổ chức vì hòa bình và tổ chức phi chính phủ mời tình nguyện viên của các nước về để phối hợp với giáo viên tiếng anh, tiếng pháp của trường dạy ngoại ngữ cho học sinh. Vào những dịp nghỉ hè, tình nguyện viên nước ngoài sang Việt Nam đông, các sinh viên ở các trường đại học như: Đại học Ngoại thương, Ngoại ngữ được nghỉ hè, nhà trường đã phối hợp với các tổ chức mời tình nguyện viên và sinh viên đại học ở các trường về phối hợp với giáo viên của trường để tổ chức câu lạc bộ ngoại ngữ cho học sinh giỏi ở các khối. Nhờ đó, trình độ ngoại ngữ của của học sinh nhà trường tăng lên rõ rệt.

Tạo điều kiện cho học sinh được giao lưu với học sinh nước ngoài. Để giúp học sinh tự tin hơn trong giao tiếp, nhà trường đã tổ chức cho học sinh của trường giao lưu với học sinh của trường Nhật Bản tại Hà Nội. Qua buổi giao lưu, học sinh được giao tiếp, giới thiệu với các bạn nước ngoài về nhà trường, về bản thân, được chơi trò chơi với các bạn các em đã tự tin hơn.

* Hiệu quả từ công tác xã hội hóa giáo dục

Thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, trường TH Nghĩa Tân đã nhận được sự ủng hộ của các bậc phụ huynh và các ban ngành đoàn thể. Mọi kế hoạch của nhà trường đưa ra được Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, của lớp, phụ huynh toàn trường ủng hộ và cùng bàn biện pháp thực hiện hiệu quả. Qua đó, 100% các lớp và các phòng chức năng được trang bị máy chiếu Projetor (63 máy) và điều hòa (159 bộ). PHHS đã lắp đặt hệ thống camera wife gồm 64 camera đặt ở vị trí các lớp học. Lắp đặt hệ thống vòi phun sân trường: gồm 16 vòi phun sương. Trang bị toàn bộ nội thất phòng Thư viện học sinh với tổng diện tích 500m2 tủ gỗ, bàn ghế, máy tính, máy projector, âm thanh loa đài. PHHS tạo điều kiện về kinh phí để làm sân bóng rổ và 8 rổ bóng. PHHS tặng 32 bồn hoa khô để trang trí nhà trường. Tổng xã hội hóa được gần bốn tỷ đồng chẵn.

      Bên cạnh ủng hộ về vật chất, phụ huynh còn giúp đỡ nhà trường về mặt tinh thần như mời đoàn xiếc Nhật Bản, xiếc trung ương về biểu diễn cho học sinh; Phụ huynh đã giúp nhà trường liên kết với các tổ chức vì hòa bình, tổ chức phi chính phủ mời tình nguyện viên các nước về dạy ngoại ngữ cho học sinh.

          Phụ huynh cùng nhà trường tổ chức cho học sinh nhiều hoạt động ngoại khóa; đi kiểm tra, lựa chọn đơn vị cung cấp nước và đơn vị nấu cơm cho học sinh; tham gia vào việc giám sát công trình xây dựng, tư vấn thiết kế, trang trí nhà trường.  

          Đối với các ban ngành đoàn thể, các cơ quan đóng trên địa bàn phường, các đơn vị đối tác: Nhà trường luôn nhận được sự ủng hộ của  Đảng ủy, UBND, HĐND và các Ban ngành đoàn thể của phường Nghĩa Tân; Công ty nước Miru tặng nhà trường 64 máy nước ấm, mát; Các cơ quan đóng trên địa bàn phường ủng hộ nhà trường xe đưa giáo viên học sinh đi thi, thăm quan…

Như vậy, để công tác xã hội hóa giáo dục trong nhà trường đạt hiệu quả, nhà trường cần xây dựng kế hoạch cụ thể, nên lựa chọn các công việc phục vụ trực tiếp cho học sinh và có dự trù kinh phí để phụ huynh học sinh thuận lợi trong việc lựa chọn các việc mà họ sẽ ủng hộ nhà trường.

          Vận động, động viên để phụ huynh tham gia một cách tự nguyện, tránh gò ép gây bức xúc. Để phụ huynh học sinh hiểu lầm sẽ làm cho họ thiếu niềm tin với nhà trường. Những công việc có liên quan đến kinh phí đóng góp của phụ huynh học sinh cần để phụ huynh tham gia, lựa chọn đối tác, giám sát thi công. Nhà trường chỉ là đối tượng được thụ hưởng những sản phẩm mà các bậc phụ huynh trao tặng.

 Để thu hút được nhiều phụ huynh, nhiều tổ chức tham gia nhiệt tình vào công tác XHHGD, cần để cho họ hiểu rõ: Làm cho ai? Làm như thế nào? Hiệu quả của việc làm? Những việc làm thiết thực vì trẻ sẽ là những việc thu hút được nhiều người tham gia nhất, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững cho mỗi nhà trường, cho sự phát triển toàn diện của người học.

Lê Thị Thanh Thủy,nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 84, tháng 12/2016