Dạy học tích hợp liên môn theo định hướng phát triển năng lực học sinh

Dạy học tích hợp liên môn theo định hướng phát triển năng lực học sinh

(GDTĐ) – Cùng với việc đổi mới mục tiêu và nội dung dạy học, vấn đề đổi mới phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm, phát huy cao độ tính tự giác, tích cực, độc lập, sáng tạo của người học là điều vô cùng quan trọng, để làm được điều đó đòi hỏi người giáo viên phải vận dụng sáng tạo nhiều phương pháp khác nhau trong dạy học. SKKN dưới đây của cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Lan – trường THPT Xuân Đỉnh cung cấp cho giáo viên kinh nghiệm xây dựng một chủ đề dạy học tích hợp liên môn, cụ thể qua chủ đề “Tia hồng ngoại và Tia tử ngoại”.

Dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn xuất phát từ yêu cầu của mục tiêu dạy học phát triển năng lực HS, đòi hỏi phải tăng cường yêu cầu HS vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Dạy học tích hợp có nghĩa là đưa những nội dung giáo dục có liên quan vào quá trình dạy các môn học như: tích hợp giáo dục pháp luật; giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông…

Ảnh minh họa, nguồn: internet

Dạy học liên môn là phải xác định các nội dung kiến thức liên quan đến hai hay nhiều môn học để dạy học, tránh việc HS phải học lại nhiều lần cùng một nội dung kiến thức ở các môn học khác nhau. Đối với những kiến thức liên môn nhưng có một môn học chiếm ưu thế thì có thể bố trí dạy trong chương trình của môn đó và không dạy lại ở các môn khác. Trường hợp nội dung kiến thức có tính liên môn cao hơn thì sẽ tách ra thành các chủ đề liên môn để tổ chức dạy học riêng vào một thời điểm phù hợp, song song với quá trình dạy học các bộ môn liên quan.

Dạy học tích hợp liên môn theo định hướng phát triển năng lực HS cần phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo; bồi dưỡng cho HS năng lực tự học, khả năng thực hành, lòng say mê học tập, có ý chí và nghị lực vươn lên; khắc phục thói quen học tập thụ động để khi giải quyết một vấn đề trong thực tiễn đòi hỏi học sinh biết cách vận dụng kiến thức tổng hợp, liên quan đến nhiều môn học một cách khéo léo…

Ví dụ như chủ đề dạy học tích hợp liên môn “Tia hồng ngoại và Tia tử ngoại” có thể tích hợp nhiều môn (liên môn Vật lí – Hóa học – Sinh học – Địa lí) và chủ đề về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

* Quy trình xây dựng một chủ đề dạy học

Mỗi chủ đề dạy học phải giải quyết trọn vẹn một vấn đề học tập. Vì vậy, việc xây dựng mỗi chủ đề dạy học cần thực hiện theo quy trình sau:

– Xác định vấn đề cần giải quyết trong dạy học chủ đề sẽ xây dựng. VD:

+ Vấn đề tìm kiếm, xây dựng kiến thức mới.

+ Vấn đề kiểm nghiệm, ứng dụng kiến thức.

Tùy nội dung kiến thức, điều kiện thực tế của trường, năng lực của GV-HS, có thể xác định một trong các mức độ sau:

Mức 1: GV đặt vấn đề, nêu cách giải quyết vấn đề. HS thực hiện cách giải quyết vấn đề theo hướng dẫn của GV.

Mức 2: GV nêu vấn đề, gợi ý để HS tìm ra cách giải quyết vấn đề. HS thực hiện cách giải quyết vấn đề với sự giúp đỡ của GV khi cần. GV và HS cùng đánh giá.

Mức 3: GV cung cấp thông tin tạo tình huống có vấn đề. HS phát hiện và xác định vấn đề nảy sinh, tự đề xuất các giả thuyết, giải pháp và lựa chọn giải pháp. HS thực hiện giải pháp để giải quyết vấn đề. GV và HS cùng đánh giá.

Mức 4: HS tự phát hiện vấn đề nảy sinh trong hoàn cảnh của mình hoặc cộng đồng, lựa chọn vấn đề, giải quyết vấn đề, tự đánh giá chất lượng, hiệu quả, có ý kiến bổ sung của GV khi kết thúc.

– Xây dựng nội dung chủ đề.

+ Xác định chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ theo chương trình hiện hành và các hoạt động học dự kiến sẽ tổ chức cho HS theo phương pháp dạy học tích cực, từ đó xác định các năng lực và phẩm chất có thể hình thành cho HS trong chủ đề sẽ xây dựng.

+ Xác định và mô tả 4 mức độ yêu cầu: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.

– Thiết kế tiến trình dạy học chủ đề thành các hoạt động học được tổ chức cho HS có thể thực hiện ở trên lớp-ở nhà, mỗi tiết học trên lớp có thể chỉ thực hiện một số hoạt động trong tiến trình của phương pháp và kĩ thuật dạy học được sử dụng. Trong chuỗi hoạt động học, đặc biệt quan tâm xây dựng tình huống xuất phát. Việc xây dựng các tình huống xuất phát cần phải đảm bảo một số yêu cầu sau:

+ Phải gần gũi với đời sống mà HS dễ cảm nhận và đã có ít nhiều những quan niệm ban đầu về chúng.

+ Chú ý tạo điều kiện cho HS có thể huy động được kiến thức ban đầu để giải quyết, qua đó hình thành mâu thuẫn nhận thức, giúp HS phát hiện được vấn đề, đề xuất được các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề.

+ Tiếp theo tình huống xuất phát là các hoạt động học như: đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề; thực hiện giải pháp để giải quyết vấn đề; báo cáo, thảo luận; kết luận, nhận định, hợp thức hóa kiến thức…

*Quy trình thực hiện

Bước 1: Nghiên cứu kỹ các văn bản về ý nghĩa, mục đích việc dạy học theo hình thức này.

Bước 2: Chọn chủ đề dạy học phù hợp.

Bước 3: Đọc tài liệu các môn sẽ liên môn và soạn giáo án chủ đề sẽ dạy học.

Bước 4: Trao đổi với đồng nghiệp cùng môn, đồng nghiệp có liên môn sẽ sử dụng để khi dạy học tích hợp liên môn đạt được kết quả dạy học như mong muốn và để mượn những loại sách cần thiết phục vụ cho chủ đề dạy học đã chọn.

Bước 5: Dạy chủ đề soạn giáo án.

Giáo viên đưa ra chủ đề và xác định mục tiêu là cá nhân HS về nhà tìm hiểu, chuẩn bị trước các nội dung kiến thức thuộc phạm vi bài học 27. (tr138) trong SGK ban cơ bản môn Vật lí 12.

Đồng thời phân nhóm, nhóm trưởng và yêu cầu nhóm trưởng phân công các bạn trong nhóm thực hiện nhiệm vụ:

– Nhóm 1: Tìm hiểu về Tia hồng ngoại.

– Nhóm 2: Tìm hiểu về Tia tử ngoại.

– Nhóm 3: So sánh Tia hồng ngoại và Tia tử ngoại.

– Nhóm 4: Tìm hiểu và giới thiệu bài tập về Tia hồng ngoại và Tia tử ngoại.

Chủ đề dạy học tích hợp liên môn Tia hồng ngoại và Tia tử ngoại được chia làm hai tiết, dạy trong cùng một buổi:

Tiết 1: Dạy học nội dung: “1. Các bức xạ không nhìn thấy” và  “2. Tia hồng ngoại”.

Tiết 2: Dạy học nội dung: “3. Tia tử ngoại” và “4. Củng cố kiến thức”.

Trong quá trình dạy học, nội dung những tiết trên do các nhóm HS chuẩn bị và chủ động thực hiện trong quá trình hình thành, xây dựng và chiếm lĩnh kiến thức tích hợp liên môn để các em có thể phát huy tối đa năng lực của mình.

Ngay sau khi dạy xong chủ đề này, GV cho các em làm bài kiểm tra kiến thức vừa học trong 10 phút để biết được thực chất kết quả của PPDH theo hướng tiếp cận mới, hiện đại và tiên tiến hơn này.

Thông qua việc dạy học tích hợp liên môn chủ đề “Tia hồng ngoại và Tia tử ngoại”, HS hiểu được mối quan hệ chặt chẽ giữa các môn học, trong nhiều lĩnh vực. Từ đó xác định cần phải phân bố thời gian hợp lí cho việc tìm hiểu, học đều tất cả các môn không phân biệt môn chính, môn phụ để có sự hiểu biết đồng bộ tất cả các môn học; Có cái nhìn tổng thể, sâu sắc, logic và biện chứng về tác dụng, ứng dụng cũng như tác hại của tia hồng ngoại và tia tử ngoại để làm những việc có ý nghĩa cho bản thân, gia đình và xã hội; Hiểu biết hơn, từ đó có ý thức rèn luyện kỹ năng sống bảo vệ sức khỏe cộng động giữ gìn môi trường và biết tuyên truyền với mọi người xung quanh cùng thực hiện điều đó.

BBT – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 112, tháng 4/2019