Cần chú trọng giáo dục kỹ năng sư phạm

Cần chú trọng giáo dục kỹ năng sư phạm

(GDTĐ) – Một sinh viên học ngành sư phạm được đào tạo để trở thành nhà giáo phải có hệ thống kỹ năng sư phạm được chuyên môn hóa, sâu sắc và luôn thích ứng với nhiều hoàn cảnh, tình huống khác nhau. Giáo viên là người hướng dẫn, dạy dỗ, mẫu mực trong tác phong, lời nói và việc làm, và cũng là nhân tố quyết định một phần chất lượng giáo dục, góp phần điều chỉnh nhân cách học sinh. Thực tế cho thấy, dạy học là hoạt động đặc thù cần nhiều kỹ năng chứ không chỉ cần kiến thức chuyên ngành nên giáo dục kỹ năng sư phạm là một vấn đề thiết thực, cần được coi trọng trong nhà trường sư phạm.

 

Đào tạo thiên về kỹ năng sư phạm hơn kiến thức chuyên ngành

Giáo viên trước tiên phải là người có khả năng tương tác tích cực với học sinh. Chính vì vậy, ngoài việc chú trọng rèn luyện phương pháp dạy học, giáo viên cần có khả năng truyền đạt, có kỹ năng tổ chức những hoạt động tương tác với học sinh, có kỹ năng sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, kỹ năng quản lý nhóm, hướng dẫn hoạt động nhóm… đồng thời với chất lượng giảng dạy kiến thức môn chuyên ngành. Vốn kiến thức liên ngành, vốn kiến thức văn hóa xã hội, khả năng tương tác, đối thoại với học sinh, nắm bắt tâm lý lứa tuổi, phân loại đối tượng giáo dục phù hợp, hiểu nguyên tắc giáo dục… là những vấn đề bắt buộc sinh viên khối sư phạm phải hiểu và nắm vững. Do đó, sinh viên học khối trường sư phạm nên được đào tạo thiên về kĩ năng sư phạm hơn là kiến thức chuyên ngành.

Hàng năm, sinh viên các trường sư phạm đều có kì thực tập cho sinh viên năm cuối nhằm mục đích thực tế công tác giảng dạy và công tác chủ nhiệm cho các em. Đây là thời gian sinh viên được thực hành kỹ năng sư phạm và thực tập giảng dạy trên lớp. Quá trình hướng dẫn thực tập cho thấy, các em thực sự lúng túng trong tương tác với học sinh, trong điều hành và quản lý lớp học khi giảng dạy, trong cách trình bày bảng, điều tiết âm điệu giọng nói, di chuyển trên lớp, trang phục khi lên lớp… nghĩa là kỹ năng sư phạm của một nhà giáo còn thiếu hụt rất nhiều. Mặc dù yêu cầu đặt ra là trong quá trình thực tập, các em phải đảm bảo trang phục nghiêm chỉnh, ứng xử nhẹ nhàng đúng mực, chuẩn mực thời gian và kiến thức cho giờ giảng… Nhưng thực tế còn nhiều sinh viên mặc trang phục như đi picnic, đi giày thể thao, vào lớp chưa đúng giờ giảng… như quy định của ngành.

Kỹ năng sư phạm cần có sự trải nghiệm đích thực

Những giờ đầu tiên thực hành giảng dạy, sinh viên thực tập chỉ lo sao cho giảng hết kiến thức trong chương trình quy định mà quên kỹ năng sư phạm. Các em lúng túng khi mở đầu bài giảng, thậm chí bỏ hẳn khâu mở đầu bài giảng và điều này làm giảm hiệu quả rất nhiều trong việc tiếp thu tri thức của học sinh dưới góc độ Tâm lý học, quy luật ghi nhớ và nhắc lại. Quy trình bài giảng và kiến thức chuyên ngành được chú trọng nhưng kỹ năng giảng dạy lại xem nhẹ. Sinh viên của chúng ta quá ít cơ hội trải nghiệm thực tế vào các tình huống giáo dục. Sinh viên sư phạm chủ yếu học trên lớp với các giảng viên. Thời gian thực tập sư phạm không nhiều, chỉ 6 tuần cho một khóa học đại học 4 – 4,5 năm, tương tác với học sinh còn nhiều hạn chế, nhất là về kinh nghiệm thực tiễn. Thực tế, kỹ năng sư phạm cần có sự trải nghiệm đích thực, rèn luyện lâu dài, thường xuyên, từ những việc tưởng chừng đơn giản nhất… Ví dụ: Sinh viên thực tập đang giảng bài, một học sinh đứng lên lẩm bẩm gì đó và đi ra ngoài, lúc sau đi thẳng vào chỗ ngồi không xin phép. Sinh viên thực tập không phản ứng, không hỏi lý do và không có ý thức điều chỉnh hành vi đó của học sinh. Hay như khi đang giảng bài, sinh viên thực tập bối rối khi không biết làm thế nào để tập trung học sinh, điều khiển và làm chủ lớp học, và thầy giảng cứ giảng, trò nói chuyện cứ nói chuyện, nội dung bài giảng và khả năng tiếp nhận của học sinh bị ảnh hưởng không nhỏ. Như vậy, chương trình đào tạo hiện đang được sử dụng ở các trường sư phạm có nhược điểm là chỉ chú ý đến kiến thức chuyên sâu dành cho người học mà chưa có sự chuẩn bị tích cực về mọi phương diện để họ có thể làm thầy giáo trong tương lai.

 

Điều chỉnh chương trình học theo nguyên tắc: toàn diện, chuyên sâu gắn với thực tế

Chương trình học trong các trường sư phạm cần được điều chỉnh lại một cách cơ bản trên nguyên tắc: toàn diện, chuyên sâu, gắn với thực tế. Chương trình đó phải đảm bảo cho sinh viên sư phạm có một vốn kiến thức chuyên ngành chắc chắn, hiểu biết về môn học đầy đủ và sâu sắc; đồng thời phải giúp họ khả năng và kỹ năng giải quyết một cách tốt nhất có thể mọi vấn đề ngay từ khi mới ra trường, từ trình bày bảng, di chuyển hợp lý, bao quát học sinh toàn lớp học, điều hành một giờ giảng chuẩn mực về thời gian và bảo đảm kiến thức cơ bản, kiến thức mở rộng … chứ không phải chờ sự tích lũy kinh nghiệm của bản thân qua thời gian công tác.

Cần lưu ý rằng mục tiêu chính của thực hành là rèn luyện các kỹ năng trình bày để củng cố kỹ năng sư phạm, đồng thời xây dựng nền tảng kiến thức cho sinh viên bằng con đường tích hợp, qua đó, tích lũy kỹ năng nghiên cứu, giảng dạy. Do đó, trong trường sư phạm, phần trình bày của giảng viên, ngoài các quy định tối thiểu phải tuân theo, thì cần được thay đổi theo hướng giảm đến mức tối thiểu về thời gian song lại tăng tối đa hàm lượng kiến thức trong từng bài giảng. Giảng viên chỉ trình bày những gì cần thiết mà sinh viên không thể đọc hoặc không hiểu nghĩa là chủ yếu hướng dẫn học tập bởi về nguyên tắc, yêu cầu trước tiên đặt ra cho việc xây dựng giáo trình là phải đảm bảo một hệ thống kiến thức đầy đủ, cập nhật thông tin mới phục vụ đắc lực nhu cầu hành nghề. Về tính chất, giáo trình đã cụ thể hóa ở một mức độ nhất định nội dung chương trình đào tạo và hướng dẫn cách thức học tập cho sinh viên. Giáo trình đã tập trung vào những vấn đề mang tính khái quát, những yêu cầu, định hướng, hướng dẫn, thuyết minh… cần thiết nên sinh viên sẽ phải tự làm việc, tự nghiên cứu nhiều hơn. Qua các giờ thực giảng, sinh viên thực tập ham trình bày lượng kiến thức đã có trong giáo trình (sách giáo khoa), giảng tất cả mà không chọn lọc các “điểm nhấn” cần thiết, và chưa điều khiển được lớp học theo hướng gợi mở, phát triển hoạt động tư duy. Và để làm được điều đó, sinh viên phải nắm được vấn đề cơ bản, làm nhiều việc khác ngoài giáo trình có liên quan đến nội dung bài giảng, đọc thêm sách và tìm hướng giải quyết bài giảng một cách tích cực nhất… Như vậy, giáo dục kỹ năng sư phạm là cần thiết dạy cho sinh viên cách trở thành một người làm nghề dạy học. Mục tiêu của việc dạy – học này là đào tạo ra người giáo viên dạy học một cách chuyên nghiệp chứ không phải đơn thuần là người truyền đạt kiến thức.

Đối với sinh viên sư phạm, mục tiêu học tập là học nghề, một nghề đặc biệt bởi học cách thao tác. Thao tác chính là sự “hữu hình hóa” bài giảng, tiết giảng, và đó chính là sản phẩm. Đào tạo sinh viên sư phạm thực ra là tạo điều kiện để họ có năng lực tạo ra sản phẩm đặc biệt đó. Hoạt động học tập của sinh viên sư phạm phải nhắm đến mục tiêu, xem xét kỹ năng sư phạm như một phương tiện để người giáo viên hành nghề, thiếu phương tiện ấy, giáo viên sẽ không thể hành nghề. Kỹ năng sư phạm không chỉ đặt trong yêu cầu về chuyên môn nghề nghiệp mà thật sự cần thiết trong phẩm chất, nhân cách nhà giáo.

Ðiều có giá trị bền vững là chính bản thân sinh viên sư phạm tự ý thức được vai trò của kỹ năng sư phạm với nghề nghiệp tương lai để nghiêm túc rèn luyện, đầu tư kinh nghiệm thực tiễn, tích lũy kiến thức liên ngành, kiến thức văn hóa và xã hội để hiệu quả giảng dạy đạt kết quả tốt nhất ngay trong những ngày đầu làm thầy.

TS. Trần Chi Mai (Trường Đại học Thủ đô)- (Nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 77+78, tháng 5-6/2016)