Sửa đổi Đề án ngoại ngữ 2020

Sửa đổi Đề án ngoại ngữ 2020

(GDTĐ) – Bộ GD&ĐT cho biết sẽ trình Chính phủ ban hành đề án Dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2017 – 2025 trên cơ sở sửa đổi đề án của giai đoạn 2008 – 2020 (Đề án ngoại ngữ 2020).

Ảnh minh họa

Nhiều mục tiêu chưa đạt được

Mới đây, đánh giá việc thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân theo yêu cầu của ĐBQH tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Bộ GD&ĐT cho biết, còn khá nhiều mục tiêu, nhiệm vụ của đề án chưa đạt được.

Trong báo cáo đánh giá gửi tới các ĐBQH, Bộ GD&ĐT cho biết, triển khai thực hiện đề án từ năm 2008 đến nay, hiện Bộ đã xây dựng chương trình, sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh mới (hệ 10 năm) và chỉ đạo triển khai dạy học thí điểm chương trình tiếng Anh 10 năm tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tỷ lệ học sinh phổ thông theo học chương trình tiếng Anh 10 năm đạt 29%, trong đó bậc tiểu học đạt 35,5%, THCS đạt 25,2% và THPT đạt 16,2% (năm học 2015 – 2016). So với năm học 2011 – 2012, năm học 2015 – 2016, tỷ lệ giáo viên tiếng Anh phổ thông đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ cấp tiểu học từ 3% tăng lên 61,7%, THCS từ 6,8% tăng lên 69,9% và THPT từ 2,3% tăng lên 52,3%.

Tuy nhiên, còn khá nhiều mục tiêu, nhiệm vụ của đề án chưa đạt được. Năm học 2015 – 2016, đối với giáo dục phổ thông, tỷ lệ học sinh lớp 3 theo học chương trình tiếng Anh 10 năm đạt 44,3%, thấp hơn mục tiêu đã đề ra là 70%. Đối với giáo dục đại học, tỷ lệ sinh viên các cơ sở đào tạo không chuyên ngữ được học chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đạt khoảng 20%, thấp hơn mục tiêu đã đề ra là 60%. Đối với giáo dục thường xuyên, nội dung, chương trình bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho nguồn nhân lực, đội ngũ công chức, viên chức cũng được Bộ GD&ĐT thẳng thắn nhìn nhận là “còn chậm đổi mới, chưa đạt được mục tiêu đề ra”.

Phân tích nguyên nhân tồn tại và hạn chế, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của đề án quá cao so với điều kiện triển khai thực tế. “Trong khi đó, nguồn lực chỉ đạo, điều hành triển khai đề án chưa phù hợp; đội ngũ cán bộ chỉ đạo, quản lý đề án đa số đều kiêm nhiệm, thiếu cả về số lượng và kinh nghiệm quản lý, triển khai”, Bộ trưởng chia sẻ.

Hơn nữa, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đề án chậm được triển khai sau khi được phê duyệt nên nhiều mục tiêu của đề án đến nay vẫn chưa được triển khai, phải chuyển sang giai đoạn tiếp theo…

Bộ GD&ĐT đã xác định 4 giải pháp chính để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo trong năm học 2017 – 2018. Trước hết, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 – 2025 (sửa đổi Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020).

Tiếp theo, hoàn thiện các định dạng đề thi theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, ưu tiên các định dạng hỗ trợ thi trên máy tính và thi trực tuyến; từng bước hoàn thiện, phát triển ngân hàng đề thi ngoại ngữ quốc gia. Ban hành quy chế thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các chương trình, sách giáo khoa, học liệu và hình thức đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo và nhu cầu học tập ngoại ngữ của học sinh, sinh viên; quan tâm xây dựng và phát triển môi trường thực hành ngoại ngữ thông qua phát triển các cộng đồng học tập ngoại ngữ.

Một giải pháp quan trọng nữa là tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, đặc biệt là đội ngũ giáo viên ngoại ngữ phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm; rà soát, thống nhất chương trình, tài liệu, học liệu đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với đối tượng, cấp học…

Hà Nội chú trọng nâng cao chất lượng giáo viên

Năm học 2016-2017, Hà Nội đã triển khai đại trà chương trình tiếng Anh 10 năm tại 100% trường THPT, trong đó mỗi trường có ít nhất hai lớp 10 dạy theo chương trình tiếng Anh 10 năm – chương trình ngoại ngữ quy định tại Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, được triển khai từ năm học 2010-2011 theo hình thức bắt buộc, bắt đầu từ lớp 3. Cùng với đó, ngành đã triển khai dạy ngoại ngữ theo chương trình mới cho khoảng 85% số lượng học sinh lớp 3 và 4 cấp tiểu học và 60% số lượng học sinh lớp 6…

Hà Nội thuận lợi hơn so với các địa phương khác khi hiện có khoảng 80% số trường tiểu học đủ giáo viên để thực hiện dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần; 80% giáo viên đã đạt chuẩn năng lực tiếng Anh theo khung chuẩn chung châu Âu, gấp đôi so với mức trung bình của cả nước…

Bước vào năm học mới 2017-2018, ngành giáo dục Hà Nội tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện nay, giáo viên các cấp học đã chuyển từ dạy ngữ pháp thuần túy sang dạy tăng cường khả năng giao tiếp, phát huy tính tích cực của học sinh. Đa số giáo viên đều tích cực trau dồi kiến thức, tích cực dạy học tích hợp liên môn, tạo ra những giờ học sinh động. Tại nhiều trường học, trong các giờ ngoại ngữ, kiến thức tổng hợp các môn học Địa lý, Lịch sử…được lồng ghép, giúp học sinh phát triển hiểu biết về các quốc gia trên thế giới, giới thiệu về đất nước mình. Giờ học vì vậy đã thực tế hơn, kiến thức ngôn ngữ cũng đã được cập nhật hơn giúp học sinh phát triển tốt kiến thức và kỹ năng. Về phía học sinh, các em đã chủ động trong các giờ học trên lớp, tham gia tốt trong các nhóm thảo luận, phát triển kỹ năng, hướng đến sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp. Bên cạnh đó, nhiều sân chơi tiếng Anh được tổ chức như: các kỳ Olympic, festival của thành phố, các cuộc thi hùng biện bằng tiếng Anh, IOE, … đã góp phần giúp học sinh thực hành các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Trong đó, kỹ năng nghe nói của học sinh tiến bộ rõ rệt, giúp các em tự tin trong môi trường giao tiếp tiếng Anh. Các môn Toán – Khoa học bước đầu được dạy bằng tiếng Anh. Trước tiên là trong các trường chuyên, trường chất lượng cao, lớp chuyên sâu, tiếp sau là phong trào học trong các trường, tiếp cận với bộ sách song ngữ tiếng Anh… Học sinh Thủ đô cũng có nhiều điều kiện để tiếp cận với những chương trình giáo dục quốc tế. Năm học 2017-2018 Hà Nội lần đầu tiên thực hiện thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc – Chứng chỉ A Level tại trường THPT Chu Văn An. Bên cạnh các chương trình truyền thống, giờ đây học sinh đã có thể tiếp cận với chương trình quốc tế, chuẩn hóa tại trường công lập trên địa bàn.

Có nhiều khởi sắc trong triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020, tuy nhiên trước yêu cầu phát triển nguồn nhân lực đòi hỏi ngành GD&ĐT Hà Nội vẫn phải tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ. Theo kế hoạch, ngoài việc bổ sung đội ngũ, Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá chuẩn giáo viên tiếng Anh; tập trung bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy cho giáo viên ở cả 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết), trong đó kỹ năng nghe và nói được bồi dưỡng chuyên sâu để khắc phục điểm yếu của hầu hết học sinh hiện nay. Việc đánh giá chất lượng giáo viên được đổi mới theo hướng dựa trên chất lượng học tập của học sinh chứ không chỉ là hoàn thiện văn bằng, chứng chỉ. Đây cũng sẽ là căn cứ để cơ quan quản lý xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của việc dạy, học ngoại ngữ trong giai đoạn mới.

Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ chú trọng vào một số nhiệm vụ chính như: Quan tâm đến phương thức đào tạo trực tuyến; Thực hiện công tác khảo thí ngoại ngữ bảo đảm minh bạch khách quan, công bằng; Tăng cường đào tạo giáo viên dạy song ngữ các môn KHTN cấp THPT… Từ đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, hầu hết các trường tiểu học, THCS và THPT dạy học theo chương trình tiếng Anh 10 năm, trong đó 100% số học sinh lớp 1, lớp 6 và lớp 10 học chương trình này.

Diệp Anh – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 96, tháng 12/2017