Những điều cần lưu ý khi chọn thi tổ hợp KHTN, KHXH

Những điều cần lưu ý khi chọn thi tổ hợp KHTN, KHXH

(GDTĐ) – Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được tổ chức với 3 mục đích là dùng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, cung cấp thêm thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ. Điểm đáng chú ý của kỳ thi năm nay là lần đầu tiên tổ chức các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH). Đồng thời đây cũng là lần đầu tiên có bài thi môn Giáo dục công dân trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chỉ còn gần 4 tháng nữa kỳ thi sẽ chính thức bắt đầu, chính vì vậy các em học sinh đang gấp rút ôn luyện, đồng thời thường xuyên cập nhật những hướng dẫn từ Bộ GD&ĐT.

 

Trao đổi bài

Tăng tốc ôn luyện

Theo quy chế, kì thi THPT quốc gia năm 2017 có 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học; viết tắt là KHTN), Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT; viết tắt là KHXH.

Năm nay, Bộ GD&ĐT công bố quy chế chính thức sớm hơn một tháng giúp các nhà trường yên tâm, có thời gian để tìm hiểu, nắm vững quy chế. Tuy nhiên, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay được tổ chức sớm hơn năm trước nên các trường đã tăng tốc ôn tập cho học sinh.

Trường THPT Phúc Lợi mới thành lập được 3 năm. Khóa học sinh lớp 12 hiện nay sẽ là lứa  học sinh đầu tiên của trường thi tốt nghiệp THPT. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm bên cạnh các môn học chính khóa, ngoài ba môn học bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, trường đã cho học sinh đăng ký nguyện vọng với hai tổ hợp môn KHTN và KHXH để phân lớp cho phù hợp. Thầy giáo Nguyễn Quý Xuân – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường kết hợp với CMHS để định hướng cho học sinh ôn tập theo những môn học mà các em lựa chọn để giúp các em tự tin bước vào kỳ thi với kết quả cao nhất.

Các giáo viên THPT cho biết, do thời gian làm bài thi trắc nghiệm ngắn hơn so với kỳ thi năm trước nên giáo viên phải tăng cường ôn tập cho học sinh các câu hỏi mang tính thông hiểu, vận dụng, chia thành các mức độ khác nhau. Cô giáo Nguyễn Thị Lương – trường THPT Bắc Thăng Long chia sẻ: BGH nhà trường và các thầy cô giáo đã chuẩn bị xây dựng chương trình ôn thi cho học sinh, định hướng cho học sinh kế hoạch thi theo tổ hợp bộ môn. Trường cũng tập trung đội ngũ các thầy cô để xây dựng ngân hàng đề các tổ hợp bộ môn thi.

Để tăng cơ hội xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành, thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT. Chính vì vậy, sau khi Bộ GD&ĐT công bố quy chế thi THPT quốc gia chính thức, một số học sinh đã đăng ký thi cả 2 tổ hợp môn KHTN và KHXH. Tuy nhiên, theo tư vấn của nhiều thầy cô giáo, học sinh không nên đăng ký thi cả 2 tổ hợp môn vì có thể cách này sẽ là con dao 2 lưỡi. Học sinh sẽ mất rất nhiều thời gian để học tổng cộng 9 môn thi – rất khó để hoàn tất, mà lại dễ rơi vào tình trạng học qua loa, dàn trải. Tốt nhất các em nên đăng ký tổ hợp môn thi là thế mạnh của mình và tập trung học, ôn cho tốt. Như vậy hiệu quả sẽ cao hơn.

Do đã nắm bắt được tinh thần của kỳ thi ngay từ đầu năm học, đồng thời được nhà trường, giáo viên hướng dẫn cụ thể nên hầu hết học sinh đều cho biết không còn băn khoăn về quy chế thi. Điều các em lo lắng bây giờ là làm sao để có thể hoàn thành bài thi kịp thời gian và đạt kết quả tốt nhất. Học sinh Trần Thu Thảo – lớp 12A3, trường THPT Phúc Lợi chia sẻ: “Bài thi trắc nghiệm sẽ bao gồm kiến thức tổng hợp. Em tăng cường thời gian học tập ở nhà để trang bị kiến thức tốt nhất cho kỳ thi sắp tới”. Em Nguyễn Ngọc Hân – học sinh trường THPT Thăng Long cho biết: Quy chế thi em không còn băn khoăn điều gì bởi đã được nhà trường và các thầy cô phổ biến kỹ. Em chỉ thi Toán, Văn, Ngoại ngữ để xét tuyển đại học. Tuy nhiên, thi theo hình thức tổ hợp, em lại phải dành thời gian học thêm cả 3 môn trong tổ hợp khoa học xã hội. Đặc biệt, môn giáo dục công dân là môn lần đầu tiên thi, chúng em không có dữ liệu đề thi các năm trước để tham khảo nên cũng hơi lo lắng. Chính vì vậy thời gian này em đang phải tăng cường ôn luyện để có thể đạt kết quả cao nhất.

 

Những chú ý từ Bộ GD&ĐT

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, trong mỗi buổi thi bài thi tổ hợp, thí sinh sẽ làm bài thi theo từng môn thành phần với thứ tự xác định. Bài thi KHTN theo trình tự các môn thành phần: Vật lí, Hóa học và Sinh học; Bài thi KHXH theo trình tự các môn thành phần: Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân (đối với thí sinh THPT); Lịch sử và Địa lí (đối với thí sinh học chương trình GDTX). Thí sinh làm các môn thành phần của một bài thi tổ hợp KHTN/KHXH trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm.

Khi dự thi môn thành phần đầu tiên, thí sinh cần lưu ý ghi đủ thông tin trên phiếu trả lời trắc nghiệm, đặc biệt là các thông tin về số báo danh, mã đề thi. Đặc biệt, thí sinh cần lưu ý các môn thi thành phần trong một bài thi tổ hợp phải có cùng một mã đề thi. Do đó, thí sinh cần kiểm tra mã đề thi trước khi làm bài.

Các môn thi thành phần trong mỗi bài thi KHTN hoặc KHXH có cùng một mã đề thi, nếu không cùng mã đề thi, thí sinh phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 10 phút sau khi thí sinh nhận đề thi. Phải để đề thi dưới tờ Phiếu trả lời trắc nghiệm; không được xem nội dung đề thi khi cán bộ coi thi chưa cho phép.

Thí sinh sẽ phải nộp lại đề thi, giấy nháp khi hết thời gian làm bài đối với môn thi thành phần để sau đó thi môn thành phần tiếp theo (ví dụ thí sinh phải nộp lại đề thi, giấy nháp môn Vật lý trước khi nhận đề thi môn Hóa học; nộp lại đề thi, giấy nháp môn Hóa học trước khi nhận đề thi môn Sinh học). Như vậy, thí sinh không phải nộp lại đề thi, giấy nháp đối với môn thi thành phần cuối cùng. Thí sinh cũng không phải nộp đề thi, giấy nháp đối với các bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

Về nội dung thi, Bộ GD&ĐT đã nêu rõ, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 12 THPT. Tới kỳ thi THPT năm 2018, nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT. Từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong Chương trình cấp THPT.

Về cách tính điểm, bài thi tự luận được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25 và không quy tròn điểm. Đối với các bài thi trắc nghiệm, các phiếu trả lời trắc nghiệm (bài làm của thí sinh) đều được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ GD&ĐT cung cấp. Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm.

Vân Anh – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 87, tháng 3/2017