Hội thảo về phát triển giáo dục theo Luật Thủ đô

Hội thảo về phát triển giáo dục theo Luật Thủ đô

(GDTĐ) – Sáng 28/7, ngành GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện những chính sách phát triển giáo dục và đào tạo sau 3 năm thi hành Luật Thủ đô. NGƯT.TS Nguyễn Hữu Độ – Giám đốc Sở chủ trì hội thảo. Dự hội thảo có bà Lê Thị Kim Dung – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT), PGĐ Sở Phạm Xuân Tiến; lãnh đạo các phòng, ban Sở; các phòng GD&ĐT; các trường học đã và đang triển khai mô hình trường chất lượng cao.

Hội thảo đã tập trung đánh giá kết quả đạt được theo Điều 12 Luật Thủ đô trên các phương diện: Công tác phổ cập, xây dựng trường đạt Chuẩn quốc gia (khoản 1, Điều 12), đặc biệt là công tác xây dựng và vận hành theo tiêu chí chất lượng cao và cơ chế tài chính để áp dụng cho các trường Chất lượng cao theo Nghị quyết 15 của HĐND Thành phố (cụ thể hóa khoản 3,4,5 của Điều 12). Hội thảo đánh giá thực tế thực hiện Luật Thủ đô trong 3 năm qua, qua đó đề xuất kiến nghị cụ thể nhằm tạo điều kiện để ngành GD&ĐT Hà Nội phát huy hết những cơ chế đặc thù, chặt chẽ nhưng thông thoáng, hiệu quả quả bền vững đảm bảo thực hiện tốt nhất Nghị quyết 29/TW của BCH TW về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội thảo

Luật Thủ đô có hiệu lực từ tháng 7/2013, trong đó những nội dung về phát triển giáo dục và đào tạo được quy định rõ tại Điều 12. Theo đó, Hà Nội phải thực hiện phổ cập giáo dục, phát triển giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, phải xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đạt chất lượng cao trên địa bàn Thành phố.

Sở GD&ĐT Hà Nội đã kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển trường chất lượng cao giai đoạn 2013 – 2015; Thành lập Hội đồng thẩm định Đề án trường chất lượng cao các cấp học; Thành lập Hội đồng kiểm định độc lập đánh giá mức độ đạt được các tiêu chí chất lượng cao; Sở GD&ĐT cũng phối hợp với Sở Tài chính ban hành hướng dẫn liên ngành triển khai  Nghị quyết 15/2013/NQ-HĐND; xây dựng và trình UBND TP ban hành các thủ tục hành chính để công nhận, thu hồi và phê duyệt các chương trình giảng dạy bổ sung nâng cao; Xây dựng kế hoạch và ban hành các văn bản, tài liệu hương dẫn, tập huấn và triển khai đến các trường học; UBND các quận, huyện đã xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều giải pháp vừa hoàn thành công tác phổ cập, xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, vừa chỉ đạo xây dựng các trường học theo tiêu chí chất lượng cao.

Sau 3 năm thực hiện Luật Thủ đô, Hà Nội đã ban hành được quy hoạch mang lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố. Hà Nội được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục THCS mức độ 1, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Toàn thành phố có 1.135 trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó có 52,7% trường công lập). Đối với trường chất lượng cao, UBND Thành phố đã ra quyết định công nhận được 11 trường đạt tiêu chí chất lượng cao; 14 trường đang thực hiện thí điểm theo mô hình chất lượng cao.

Thảo luận tại hội thảo, cán bộ quản lý của các trường, phòng GD&ĐT và các quận, huyện đều khẳng định: Luật Thủ đô ra đời đã trở thành căn cứ pháp lý chính thức cho việc triển khai mô hình chất lượng cao tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố. Cùng với Luật Thủ đô, các Quyết định 20/2013/QĐ-UBND ngày 24/6/2013 quy định cụ thể tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục chất lượng cao; Quyết định 21/2013/QĐ-UBND ngày 24/6/2013 quy định về việc bổ sung chương trình giảng dạy nâng cao, ngoài chương trình GDMN, GD phổ thông đã tạo ra hành lang pháp lý để các đơn vị giáo dục thực hiện, đáp ứng nhu cầu của con em nhân dân, phù hợp với xu hướng chung trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Toàn cảnh hội thảo

Tuy nhiên, thực tế, một số đơn vị đang gặp khó khăn trong quá trình phấn đấu các tiêu chí trường chất lượng cao cũng như vận hành cơ sở giáo dục chất lượng cao. Đáng chú ý nhất là vấn đề kinh phí. Với các trường công lập hiện đang theo mô hình tự chủ một phần, nếu công nhận trường chất lượng cao thì ngân sách chỉ hỗ trợ năm đầu, từ năm thứ 2 đơn vị phải tự chủ tài chính, tự đảm bảo các hoạt động của nhà trường. Điều đó gây băn khoăn khi trường tuyển sinh được ít học sinh, không đủ chi trả lương và các hoạt động khác. Khi các trường đã được công nhận chất lượng cao, nhà nước chỉ đầu tư cơ sở vật chất ban đầu, việc sửa chữa, mua sắm bổ sung trang thiết bị trong quá trình hoạt động sẽ thuộc về trách nhiệm của các đơn vị từ nguồn kinh phí khấu hao tài sản cố định. Điều này sẽ gây khó khăn cho các đơn vị trong quá trình hoạt động.

Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) Lê Thị Kim Dung nhận định: Ngay khi  Luật Thủ đô có hiệu lực 1/7/2013 thì hàng loạt văn bản dưới Luật đã được ban hành một cách nhanh chóng và kịp thời. Ngành GD&ĐT Hà Nội đã thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục. Phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học đều về trước kế hoạch của Bộ GD&ĐT. Công tác xây dựng trường Chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao cũng đã có nhiều bước phát triển. Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Hà Nội cần quan tâm hơn nữa tới công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn Thủ đô (phân bổ quỹ đất xây dựng trường học), chương trình bổ sung giảng dạy nâng cao ở các trường chất lượng cao, đồng thời ghi nhận ý kiến của các cơ sở giáo dục từ đó có những chỉnh sửa các quy định cho phù hợp.

NGƯT.TS Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn của cán bộ quản lý giáo dục tại hội thảo, đã giúp chỉ rõ những kết quả đạt được và những vướng mắc cần tháo gỡ. Cụ thể, các đơn vị đã nêu lên 5 nhóm vấn đề liên quan đến việc phát triển giáo dục theo Luật Thủ đô gồm: Tuyển dụng giáo viên chất lượng cao vào các trường công lập; cơ chế cho các quận, huyện khó khăn trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia; cơ chế cho các trường nội thành (quỹ đất xây dựng trường học để đáp ứng yêu cầu đạt Chuẩn quốc gia, đạt chất lượng cao); điều chỉnh Nghị quyết 15 của HĐND Thành phố; điều chỉnh quyết định 20, 21 của UBND thành phố. Riêng về công tác xây dựng trường chất lượng cao, Giám đốc Sở khẳng định: Hà Nội thực hiện theo phương châm “đi chậm mà chắc”. Trong thời gian tới, ngành sẽ đặc biệt quan tâm đến khung chương trình giáo dục tại các trường chất lượng cao bởi đây là yếu tố đặc biệt quan trọng để tạo nên sự khác biệt trong chất lượng giáo dục, đào tạo ở các trường này.

Tô An